Vụ đề xuất NSND được tính tương đương tiến sĩ, NSND Khải Hưng: "Chuyện này thật đáng buồn"
"Chiều nay tôi có giờ dạy và tôi băn khoăn là, mình có nên đến lớp hay không. Tất cả những suy nghĩ đó không phải của mình tôi đâu, nhiều người có tâm trạng như thế", NSND Khải Hưng bày tỏ quan điểm.
Mấy ngày qua, đề xuất cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu NSƯT, NSND được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Là một trong những NSND được mời thỉnh giảng tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội gần 30 năm qua, NSND Khải Hưng bày tỏ quan điểm rằng, ông cảm thấy mình bị tổn thương và rất nhiều nghệ sĩ đang tham gia công tác giảng dạy như ông cũng chung cảm xúc này.
"Nếu các NSƯT, NSND không trực tiếp giảng dạy nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra"?
Thưa NSND Khải Hưng, ông có chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng, ông cảm thấy bị tổn thương. Xin hỏi ông tổn thương vì trường đưa ra đề xuất chuyển đổi cơ chế đặc thù cho NSƯT, NSND tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ hay tổn thương vì đọc những bài báo, những bình luận của cộng đồng về chuyện này?
Tôi đã dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh gần 30 năm. Từ thời hiệu trưởng đầu tiên đến giờ, tôi vẫn nghĩ rằng, tôi đến đây để dạy nghề. Và tôi vẫn nghĩ rằng, trường Sân khấu Điện ảnh là một trường dạy nghề làm phim, làm sân khấu với trình độ đại học. Vậy thì, ai có tay nghề cao, biết nghề sư phạm thì có thể đến truyền đạt.
Tôi đinh ninh thế cho đến gần đây, báo chí truyền hình và cả cộng đồng mạng bàn về chuyện quy đổi, chuyển đổi NSƯT thành Thạc sĩ, NSND thành Tiến sĩ để có thể tồn tại ở trường. Tôi thấy chuyện này thật đáng buồn. Bởi vì, rất có thể, ai đó sẽ hiểu rằng, việc những NSƯT, NSND đi dạy học là vì tiền.
Với tôi là không phải vì tới ngày hôm nay, được tăng hết mức rồi, lương đứng lớp của tôi là 60.000 đồng 1 giờ. Vậy thì người ta hỏi, chúng tôi vào trường làm gì? Có thể có những câu trả lời rất đao to búa lớn rằng vì sự nghiệp điện ảnh nhưng tôi không nói vậy.
Tôi có kinh nghiệm làm phim nên muốn vào trường truyền đạt kinh nghiệm làm phim của mình cho sinh viên. Tôi đã đón sinh viên từ năm 1996 đến nay, dạy khóa nào cũng được học trò yêu quý, từ sinh nhật hay 20/11, tôi được nhiều người thăm hỏi và cũng có nhiều người thành đạt. Đó là nguồn động viên cho tôi.
Tôi tìm hiểu thì mới biết Bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định dạy đại học thì phải thấp nhất là Thạc sĩ, Tiến sĩ, các thành phần khác không được đứng lớp.
Trong trường, Thạc sĩ, Tiến sĩ là có nhưng hầu hết các bạn đều là sinh viên học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng các bạn đều chưa kinh qua thực tế, không có tác phẩm. Bởi vì các bạn chưa có điều kiện làm, các bạn chỉ đi học thôi.
Vậy thì quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo áp cho các trường đại học và trường nghệ thuật từ xưa đến nay là không đúng. Đó là quy chế chủ quan, không sát tình hình thực tế. Nếu các NSƯT, NSND không trực tiếp giảng dạy nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Vì sự nghiệp giáo dục của của ngành nghệ thuật, Bộ nên thay đổi từ lâu rồi chứ không phải đến hôm nay. Sự chuyển đổi này thật phi lý, không chính xác và có thể xúc phạm đến ai đó. Bản thân tôi thấy, những lời bình trên mạng xã hội rất xúc phạm tới chúng tôi.
Chiều nay tôi có giờ dạy và tôi băn khoăn là, mình có nên đến lớp hay không. Tất cả những suy nghĩ đó không phải của mình tôi đâu. Nhiều người có tâm trạng như thế.
Muốn tốt thì chính Bộ Giáo dục & Đào tạo phải sửa đầu tiên, chứ không phải để cho trường xin cái này xin cái kia, đề nghị chuyển đổi cái này, đề nghị chuyển đổi cái kia.
Không có vụ hỏng xe thì tôi cũng không biết, mình đi dạy toàn lỗ!
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, đề xuất này đã có từ năm ngoái. Từ thời điểm đó, ông có bày tỏ quan điểm, ý kiến này của mình không?
Tôi là giảng viên thỉnh giảng nên chưa bao giờ tham dự bất cứ cuộc họp nào như vậy. Đến giờ thì tôi lên lớp, dạy sinh viên, ra bài tập và sát sao với các em về chuyên môn, còn các cuộc họp như vậy, tôi không biết, dù tôi luôn là chủ tịch hội đồng tuyển sinh, chủ tịch hội đồng chấm thi. Nếu tôi nắm được đề xuất này của trường từ năm ngoái thì có lẽ tôi xin nghỉ dạy lâu rồi.
Việc bày tỏ quan điểm thẳng thắn như vậy, ông có e ngại gì về phía ban giám hiệu nhà trường?
Tôi không e ngại gì. Tôi ăn lương của trường mà còn phải bù thêm tiền để vào trường dạy mà. Bình thường, tôi đều tự lái xe đến trường. Lần đó xe hỏng, tôi đi xe công nghệ đến trường. Cả đi cả về, tôi thanh toán mất 375.000 đồng. Tôi dạy 5 tiết được trả 300.000 đồng. Nghĩa là, tôi phải bù ra 75.000 đồng.
Vậy thì, nếu hiểu theo nghĩa là đi dạy vì tiền thì có xứng đáng không? Về danh tiếng, tôi đã có. Về tiền bạc, tôi cũng không cần. Tôi không có nhu cầu gì cả. Tôi đang làm tốt cho nhà trường. Nếu không có vụ hỏng xe đó thì tôi cũng không biết là từ xưa đến nay, mình đi dạy toàn lỗ. Vậy chúng tôi được cái gì?
Không phải mình tôi mà tất cả các nghệ sĩ vào trường giảng dạy đều có tâm trạng như thế. Tiền thù lao không đáng gì với công sức họ bỏ ra. Họ vào trường dạy là cống hiến. Việc họ gặt hái được tình cảm, sự yêu mến của sinh viên dành cho mình là để họ vui vẻ làm việc, chứ không vì bất cứ cái gì cả.
Cho nên, trường không nên đề xuất gì hết. Đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục & đào tạo. Cũng phải nói là, thương cho trường Điện ảnh. Họ muốn tồn tại nên phải tìm cách này cách kia. Họ tháo gỡ mà tháo gỡ như vậy là không được.
Cảm ơn những ý kiến, chia sẻ của NSND Khải Hưng!