Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp gốc rễ tạo nét đẹp văn hóa nhà trường

Trang phục sinh viên là yếu tố cấu thành, góp phần tạo nên nét đẹp của văn hóa nhà trường.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.
Tuy không quy định khắt khe về đồng phục như bậc phổ thông nhưng hiện đa số trường đại học yêu cầu sinh viên đi học phải ăn mặc nghiêm túc, gọn gàng, văn minh, lịch sự, hợp thuần phong mỹ tục. Dù vậy ở nhiều trường vẫn xuất hiện không ít sinh viên ăn mặc lố lăng, thậm chí phản cảm khi đến lớp.

Trên nhiều kênh mạng xã hội không khó tìm thấy những hình ảnh sinh viên “lộ hàng”, quần đùi, áo ngang rốn trên giảng đường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn do nhận thức của một số người còn hạn hẹp, chỉ quan tâm đến cá tính thời trang, cái tôi của bản thân mà chưa nghĩ đến sự phù hợp của môi trường giáo dục.

Vài trường đại học xu hướng quốc tế hóa không quy định về trang phục đến trường, khá cởi mở về tự do ăn mặc nên sinh viên muốn “bung xõa”, bắt chước nhau theo “Tây” mà không để ý đến văn hóa Việt.

Để chấn chỉnh, thời gian gần đây, nhiều trường đại học ban hành những yêu cầu cụ thể hơn về trang phục. Chẳng hạn như, sinh viên không được mặc quần lưng trễ, quần ngắn lộ nội y gây phản cảm, mất mỹ quan; không mặc áo không cổ, áo trễ cổ, áo không ống tay, áo ngắn ngang thắt lưng quần, váy quá ngắn, váy xẻ cao, áo voan mỏng…

Có trường thậm chí còn quy định người học phải mặc đồng phục cách ngày hay theo một ngày cố định trong tuần, không được đi giày cao gót, hạn chế nguyên liệu nhung, jeans hay diện áo thun phải có cổ…

Bên cạnh ban hành các quy định, một số trường còn từ chối tiếp và phục vụ, hạ điểm hạnh kiểm, thậm chí xử lý kỷ luật nếu sinh viên vi phạm. Mới đây nhất, văn bản của Trường Đại học Y Hà Nội nêu rõ nếu vi phạm về lỗi trang phục, sinh viên bị trừ 1 - 3 điểm rèn luyện mỗi lần.

Tùy mức độ và ảnh hưởng của lỗi vi phạm, sinh viên có thể bị xem xét kỷ luật với mức từ khiển trách đến cảnh cáo trước toàn trường. Đặc biệt, để có thể xử lý, chế tài, có trường còn đưa ra phương án kiểm tra gắt gao, lập biên bản xử lý vi phạm…

Trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh là nguyên tắc ứng xử tối thiểu. Trong môi trường đại học, trang phục không chỉ phản ánh phong cách cá nhân, mà còn thể hiện sự tôn trọng tập thể, lan tỏa thông điệp về sự chuẩn mực và ý thức trong môi trường giáo dục.

Vì thế, việc các trường đại học ban hành nội quy về trang phục của sinh viên là đúng đắn, để người học hiểu việc lựa chọn đúng trang phục đến giảng đường là bắt buộc. Đây cũng là biện pháp giáo dục kỹ năng, đạo đức cần thiết để sinh viên hiểu biết và có ý thức ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh, giúp thuận lợi hơn sau khi bước vào cuộc sống và thị trường lao động.

Tuy vậy, cũng không nên vì quá lo cho văn hóa học đường mà các trường lại ban hành những quy định quá chi tiết, hạn chế sự đa dạng, sáng tạo, gây áp đặt, trói buộc cho sinh viên - những người đã có quyền công dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Trên thực tế đã xảy ra việc sinh viên phản ứng trước quy định quá gắt gao của nhà trường như cố định ngày mặc đồng phục hay không được mặc áo thun không cổ, không đi giày cao gót… Cách thức kiểm tra như thời phổ thông, việc lập biên bản ghi nhận vi phạm… cũng khiến một số người bức xúc cho là phản cảm.

Xây dựng văn hóa học đường qua trang phục quan trọng nhất vẫn từ nhận thức người học. Sinh viên đã ở tuổi trưởng thành nên những quy định mang tính áp đặt, một phía liên quan đến phong cách cá nhân không còn thích hợp.

Để người học hiểu quy định nhà trường, từ đó tự giác thực hiện, rất cần những buổi đối thoại, gặp gỡ trên tinh thần cởi mở để ghi nhận ý kiến sinh viên khi xây dựng nội quy về trang phục; tăng cường truyền thông giáo dục về giá trị thẩm mỹ, kỹ năng chọn trang phục, xây dựng hình ảnh bản thân, ý thức tôn trọng quy tắc chung trong cộng đồng… Đó mới là những giải pháp gốc rễ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...