Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình chữa lành kí ức

Quyên trở về vùng ven này sau những ngày bận rộn ở phố.

Hành trình chữa lành kí ức
 

Cô thả mình dưới bãi cát dài miên man, cho tâm hồn được tưới đẫm những thanh âm trong trẻo của hương vị thôn quê. Cảm nhận nắng vàng rớt qua vai mềm, nhìn bầu trời trong vắt qua lớp kính râm, ngón tay mân mê mấy cây hoa muống biển đang vươn mình nở.

Mùa này biển thật đẹp, sạch và dịu êm, không có những xô bồ của ngày Hè bỏng rát, cũng không lạnh lẽo, ủ ê như những ngày Đông ảm đạm, mọi thứ dịu dàng len lỏi vào tâm hồn Quyên. Cô chờ chú Hảo ra bãi, một chốc hai chú cháu sẽ ghé lại nhà bé Cảnh, trao quà và tiếp tục cuộc khảo sát.

Năm nào cũng thế, thời gian này thôi thúc bước chân Quyên trở về chốn quê, thực hiện dự án khảo sát các hộ có nạn nhân da cam, chuẩn bị hồ sơ, các thủ tục liên quan để xin trợ cấp hằng tháng cho họ.

Mặc dù, công việc không quá vất vả nhưng mỗi lần xin hồ sơ, xác minh mức độ ở bệnh viện, sau đó mới hoàn thiện và gửi về tỉnh, chờ kết quả của cấp trên, Quyên thấy thời gian sao trôi chậm quá.

Trong thâm tâm cô lúc nào cũng có hai chữ “ngộ nhỡ” một mai chưa kịp nhận chế độ gì, mấy đứa đã theo ông bà về cõi Phật, chỉ nghĩ thế thôi lòng cô đau nhói. Cuộc chiến tranh đi qua đã rất nhiều năm, Quyên và những người thế hệ sau, chỉ nghe ông bà, ba mẹ, kể lại câu chuyện chiến tranh bằng những hồi ức lúc nhớ, lúc quên.

Những ngày tháng ăn dầm, nằm dề trên chiến trường của ông ngoại, hay những đêm ngủ hầm, cơm vắt, máu trộn bùn non của ba... Những hình ảnh ấy cứ quấn lấy tâm trí của một cô bé mới ra trường.

Bằng chứng của cuộc chiến tranh không dừng lại ở đó, nạn nhân da cam, những người chịu ảnh hưởng không trực tiếp sau cuộc chiến tranh, sau bao lần đơn thư, tham vấn và cả đối thoại trực tiếp nhưng chưa có hồi kết. Mỗi lần đi đến khu vực vùng quê khảo sát là mỗi lần Quyên đau thắt tim.

Hình ảnh các em nhỏ, những người chịu ảnh hưởng chất độc da cam đang từng ngày chống chọi để tồn tại với cuộc đời, cô lại thấy mình quá hạnh phúc khi được sống trọn vẹn với hình hài của một người bình thường. Ông ngoại tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, và sau này, ba cô là người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Sau giải phóng, ba về quê làm nông nghiệp, nhận chế độ của Nhà nước hằng tháng. Mặc dù, kinh tế khó khăn, vụ mùa được mất nhưng bằng ý chí nghị lực kiên cường của người lính thời chiến, ba và mẹ đã nuôi nấng anh em Quyên thành tài, đứa nào cũng đậu đại học với điểm số cao.

Ba thường ngồi bên hàng hiên, kể cho Quyên nghe về những người bạn, về di chứng chiến tranh còn sót lại với tâm trạng không thoải mái. Điều đó khiến Quyên mềm lòng nhiều mỗi khi ghé lại quê nhà, cô quyết định liên hệ với Hội Nạn nhân da cam tỉnh, nơi cô đang theo học đại học để có thể làm một cộng tác viên thường xuyên, phụ giúp các cô chú trong công tác khảo sát hỗ trợ các nạn nhân.

Ngoài những giờ đi học, từ khi tiếp cận các cô chú bên tỉnh Hội, Quyên đã có nhiều cuộc khảo sát và về chốn quê cùng mọi người để nắm bắt tình hình. Cô nhớ như in khoảnh khắc ngồi trên chiếc Dream cũ của chú chủ tịch hội huyện, chạy tút vào khoảng mênh mông của đồi núi, rừng tràm bạt ngàn trước mặt.

Cứ thế, mấy chú cháu chạy mãi, gần hơn chục km thì mới tới nơi. Ngôi nhà có tận hai nạn nhân da cam, một anh lớn và một em nhỏ, nụ cười ngờ nghệch, chẳng ai đủ tỉnh táo. Hai ông bà già công ăn việc làm không ổn định, chỉ chờ vào những khoản trợ cấp hằng tháng ít ỏi, bữa ăn nghèo nàn với rau luộc chấm mắm nêm. Quyên đứng ở cửa, nước mắt trào ra đầy thương cảm.

Có nhiều buổi chiều Quyên ghé vùng biển, thăm lại bạn chiến đấu của ba và khảo sát một số trường hợp cũng bị nhiễm chất độc da cam. Số liệu khảo sát và được tiếp nhận hỗ trợ, cô đều gửi về quê báo với ba để ba yên tâm phần nào về công tác quan tâm của các đội xã hội tình nguyện và cấp trên.

* * *

Năm nay, Quyên trở lại thị trấn vùng biển. Lần trước, cô đã đến đây nhưng chưa kịp khảo sát hết thì có lịch báo thi học kỳ nên đành dở dang. Cây cầu cũ nối liền bờ đê thoai thoải gió, gốc tre rì rào, xa xa bầy bò đang gặm cỏ lặng lẽ, bình yên. Màu xanh của lúa trải dài bát ngát, khung cảnh khiến Quyên nhớ quê mình da diết.

Nơi này dường như rất tĩnh lặng, cô cảm giác ai đó đã bỏ quên lại một thị trấn nhỏ bơ vơ, nơi đồi phi lao ngân nga gió biển, những người dân lụi cụi dưới bến làm cá và làm muối. Ngay khoảng nắng mênh mông, một núi muối khổng lồ, trắng phau nằm phơi mình. Dưới bãi cát, những bóng người đen trùi trũi lặng lẽ như con còng gió, gom nhặt những vụn vặt của biển cả về với nhà.

Cũng không hiểu sao chú Hòa lại hẹn Quyên ra chỗ này, mặc dù, công việc khảo sát nằm ở bên kia cánh đồng. Đợi tầm mười lăm phút thì chú tới, lỉnh kỉnh máy ảnh và vài thứ đồ. Chú bảo:

- Lên xe nhỏ ơi, lần này mình cũng đi hơi xa nhé, khảo sát thị trấn ven biển này!

Quyên khoác ba lô lên xe với chú. Chú rồ ga, phóng vun vút qua bãi, giống như đã quen lắm với nơi này, Quyên hoảng hốt ôm lấy tấm thân gầy của chú, hai chú cháu cười vang cả một quãng. Chỉ có những lúc như thế Quyên mới thấy yêu hơn chất lính, hóm hỉnh của người chiến sĩ năm nào.

Chú bảo còn thêm vài chiến hữu, chú sẽ chở cô vào nhà họ, giới thiệu con gái đồng đội rồi mới lên đường. Quyên ngồi sau xe vâng dạ rối rít, chỉ sợ chú vít ga thêm lần nữa, hai chú cháu lộn ngược ra ngoài ruộng lúa, tha hồ mà sắm sanh lại máy móc, thiết bị.

* * *

- Chị Quyên ơi, chị Quyên, em nè, em nè...

Hai chú cháu đang bon bon trên đường giật mình khi nghe tiếng gọi thảng thốt trong đám cây. Chú Hòa dừng xe đánh “kít” một cái, ngó nghiêng. Từ trong bụi rậm, một thằng nhóc chừng chín mười tuổi chạy ra. Nó ôm một bọc gì đó trước ngực, bẽn lẽn nhìn hai chú cháu. Quyên ân cần:

 

- Ủa nhóc, nhóc vừa gọi chị sao?

Thằng nhóc gãi đầu gãi tai:

- Dạ, em... là em trai của anh An, hôm nọ chị có vào nhà em rồi nè.

Quyên đứng hình mấy giây, lục lại kí ức. Cô nhớ cậu bé tên An, bị nhiễm chất độc da cam, nhà ngay đoạn đường này, trước đó cô đã khảo sát và có nguồn hỗ trợ cho em. Em đi lại được nhưng đầu óc không tỉnh táo, lâu lâu lại đập phá đồ đạc, gắt gỏng lên với ba mẹ. Nhưng An lại là đứa ham đọc sách, Quyên ấn tượng với cậu bé này rất nhiều.

Nhưng tuyệt nhiên cô không biết về thằng nhóc vừa gọi mình. Thằng bé lại gãi đầu, nó bảo hôm Quyên và các chú bên Hội da cam tỉnh vào khảo sát, nó ở mé sau nhà, ngấp nghé nghe chuyện. Thấy mọi người trao đổi, nó biết được tên từng người. Hôm qua, chú Hòa nói sẽ có thêm đợt khảo sát ở khu lân cận nhà nó nên nó cố tình qua đoạn này mót điều, sẵn vào rẫy nhà hái mấy trái xoài ngon biếu Quyên và chú Hòa.

Nhìn dáng vẻ đầy tội nghiệp của nó, Quyên bất giác rưng rưng. Mấy chú cháu ngồi lại với nhau dưới đám điều uống nước. Quyên dúi vào tay nó tập truyện, dặn mang về nhà cho anh An, rồi hai anh em đọc chung. Thằng bé nắm lấy tay Quyên, cảm ơn rối rít.

Buổi trưa nắng gay gắt. Khi tập trung tầm mươi mười lăm người của thị trấn nhỏ, các cô chú tập hợp vào một nhà dân nhờ nấu bữa cơm trưa. Dường như ai cũng thấm mệt sau một buổi rong ruổi vùng này. Di chứng chiến tranh quả là khủng khiếp, chỉ mới một xã nhỏ vùng quê thôi, đã gần năm mươi nạn nhân da cam, chưa chốt đến con số cuối cùng.

Chẳng có nỗi đau nào lột tả được cảm xúc của những người cha, người mẹ, sinh con ra trong tật nguyền, khi lớn lên mới biết đó là di chứng của một loại chất độc do chiến tranh, để lại những vết xước năm mươi năm qua chưa thể nào hàn gắn.

* * *

Năm mươi năm, một nửa thế kỉ trôi qua, Quyên đang cùng các chú, các bác tiếp cận hành trình chữa lành kí ức. Chẳng biết bao giờ mới có thể lấp đầy những khoảng trống mênh mông kia, khi mà rất nhiều gia đình khó khăn, thêm những đứa con khuyết tật. Chất độc da cam đã len lỏi vào thế hệ con, thế hệ cháu, những đứa trẻ vô tội không trực tiếp trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy.

Có tiếng điện thoại làm Quyên giật mình. Đầu dây bên kia là một giọng con trai, nói bằng tiếng Anh.

- Hello, are you Quyen? I would like to meet you to discuss the Agent Orange survey trips.

 

Quyên ngỡ ngàng, ngơ ngác. Lục lại kí ức về môn học, trao đổi với người bạn kia bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình:

- Yes, I’m Quyen, from Vietnam, I’m doing a field survey with my uncles and aunts to find a plan to support Agent Orange victims, where are you from and how would you like to support us?

Sau một hồi trao đổi, Quyên thuật lại nội dung cho các cô chú trong đoàn cùng nghe. Về một anh chàng con trai của cựu binh Mỹ, anh ta tỏ ý muốn hợp tác cùng đoàn của Quyên để tìm hiểu hoàn cảnh nạn nhân da cam cũng như hỗ trợ phần nào đó kinh phí cho đoàn. Nghe thiện chí của anh ta, Quyên cũng gật đầu đồng ý và chờ chuyến bay sắp tới của anh ta đến Việt Nam.

Nghe đâu anh ta tìm hiểu về Việt Nam chuẩn bị cho một chuyến du lịch dài, được ba kể lại về sự khốc liệt của chiến tranh ngày đó, rồi từ từ anh tìm hiểu về con người nơi đây, những phong tục, tập quán, văn hóa đến những tàn dư còn sót lại của cuộc chiến tranh giữa đế quốc Mỹ và Việt Nam. Năm nay sẽ là năm diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước Việt Nam – kỉ niệm 50 năm chiến thắng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quyên thở phào nhẹ nhõm, lại thêm một “chiến binh” đến với hành trình chữa lành kí ức. Chuyến đi của những ngày tháng Tư... thênh thang.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...