LS Trương Thanh Đức: Nợ xấu cho vay cá nhân rất đáng lo, đến lúc xem lại việc cấm đòi nợ thuê, chỉ nên cấm hành vi đòi nợ sai trái
Theo vị chuyên gia, các ngân hàng, công ty tài chính vẫn còn rất khổ trong thời gian tới, kể cả cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay tín chấp.
Kể từ năm 2015 khi ngành ngân hàng vừa bước ra giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu cho những chiến lược kinh doanh mới, nhiều nhà băng đã xác định cho vay bán lẻ là hướng đi chiến lược.
Cho vay bán lẻ bao gồm các khoản cho vay khách hàng cá nhân như cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay mua nhà, vay mua ô tô, …Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xếp cho vay doanh nghiệp nhỏ vào nhóm cho vay bán lẻ. Đối với mảng cho vay tiêu dùng, bên cạnh các ngân hàng, các công ty tài chính cũng đã đẩy mạnh cho vay tiền mặt, cho vay trả góp không yêu cầu tài sản đảm bảo và mảng này đã đem về mức sinh lời đáng kể.
Quan điểm của xu hướng này là mảng bán lẻ sẽ giúp phân tán rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời do NIM (biên lãi ròng) thường cao hơn so với cho vay các doanh nghiệp lớn. Thực tế, những ngân hàng có tỷ lệ ROE (hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) cao nhất cũng thường là những cái tên có tỷ lệ bán lẻ cao, thậm chí đã có nhà băng vượt mốc 30%.
Mặc dù đầy tiềm năng, mảng cho vay bán lẻ tại Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy trong thời gian gần đây. Theo VIS Ratings, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề hình thành mới cao chủ yếu do phân khúc bán lẻ và cho vay SME. Bên cạnh đó, lợi nhuận của một số ngân hàng tập trung bán lẻ suy giảm do tăng trưởng cho vay mua nhà kém khả quan. Trong khi đó, lợi nhuận cải thiện đối với những ngân hàng lớn nhờ tăng trưởng tín dụng khách hàng doanh nghiệp.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - chuyên gia tài chính ngân hàng, tăng trưởng tín dụng bán lẻ chậm lại nhưng phù hợp với bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành đều thấp trong những tháng đầu năm nay. Tốc độ có thể chậm, nhưng về mặt quy mô thì không quá thấp so với những năm trước. Việc tăng trưởng tín dụng bán lẻ không có nhiều điều đáng ngại. Tuy nhiên, rủi ro của tín dụng bán lẻ rất đáng lo, sẽ gây nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Thực tế, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao lên mức cao nhất trong nhiều năm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.
“Lý do mới là nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đời sống, công ăn việc làm và thu nhập của nhiều người lao động bị giảm sút ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Còn lý do cố hữu là ý thức trả nợ, từ xưa nay, ý thức tuân thủ cam kết của người vay ở Việt Nam rất thấp”, vị chuyên gia cho biết.
Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các tổ chức tín dụng đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, sau ngày 31/12/2023, khi Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành, toàn bộ các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm đã hết hiệu lực, các quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay như: Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ…đều không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm.
Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu không còn được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu.
“Trước đây khi còn áp dụng Nghị quyết 42 còn có chút sức ép xã hội giúp nâng cao ý thức trả nợ, đồng thời có được những hỗ trợ từ toà, cơ quan chức năng thì hiện tượng bùng nợ không bùng phát như hiện tại. Còn hiện nay, hiện tượng bùng nợ tăng mạnh, các hội nhóm rủ nhau trốn nợ mọc lên như nấm”.
Ông Đức nhận định, “bùng nợ” là hành vi bất chấp luật pháp, bất chấp cam kết và bất chấp chữ tín. Do đó, các ngân hàng, công ty tài chính vẫn còn rất khổ trong thời gian tới, đặc biệt là cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm.
Ngay cả cho vay bán lẻ có tài sản đảm bảo đi nữa, có bất động sản, xe ô tô thì việc xử lý nợ xấu cũng vô cùng khó khăn. Quy định pháp luật hiện nay vẫn còn rất nhiều chồng chéo, vướng mắc.
“Chẳng hạn vừa qua, luật về đất đai được ban hành, nhưng bất cập vẫn còn nhiều. Ví dụ, từ 1/1/2025, hộ gia đình sẽ không còn được cấp đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng đó là công việc 5 năm, 10 năm nữa, còn trước mắt là các ngân hàng vẫn dùng hàng triệu sổ đỏ cũ, điều đó có nghĩa là ngân hàng có thể phải theo đuổi vụ kiện thêm 30-40 năm nữa”, LS Trương Thanh Đức ví dụ.
Ông Đức cũng lưu ý thêm: “Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nhưng lại cấm đòi nợ thuê, đó là điều theo tôi là rất bất hợp lý, cần xem xét lại. Vì đòi nợ là hành động chính đáng, cần thiết. Còn những hành vi xúc phạm đến đời tư, đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm thì phải xử lý nghiêm. Không nên cấm đòi nợ thuê”.
Vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải xem lại quy định cấm đòi nợ thuê, không chỉ đối với nợ vay mà những giao dịch hợp pháp như đòi nợ thanh toán, nợ tiền lương,…đều cần đòi nợ thuê chuyên nghiệp và bài bản. “Khi cho phép, nghề đó phải được quản lý chặt chẽ, hạn chế các mặt trái chứ không nên cấm hẳn đòi nợ thuê vì đây là một cơ chế quan trọng để hỗ trợ chủ nợ thu hồi nợ, đồng thời thúc đẩy người vay có ý thức hơn trong việc tuân thủ các cam kết”.