Ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, TNG đem về 524 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ tháng 1
Khởi động năm kinh doanh mới, TNG cho biết đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như: Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Kết thúc tháng 1 năm 2024, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cho biết doanh thu tiêu thụ trong tháng đầu tiên đạt 523 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng gần 32%.
Theo TNG, kết quả trên đến từ việc doanh nghiệp đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác lớn ngay từ đầu năm như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó trong năm 2023. |
Trước bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm, TNG nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành may mặc tại Việt Nam khi vẫn duy trì được quy mô và tốc độ tăng trưởng doanh thu khả quan.
Trong năm 2023, TNG là một trong số ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận cán đích trước thời hạn 16 ngày so với kế hoạch doanh thu. Ngoài ra, nhiều đơn vị của TNG như chi nhánh May Việt Đức, chi nhánh May Việt Thái, 4 chi nhánh May Phú Bình cũng sớm hoàn thành kế hoạch doanh thu của năm.
Năm 2023, ngành dệt may trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài và nhiều thách thức chưa từng có, do bị tác động bởi nhiều yếu tố. Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may như Mỹ, EU… đã khiến các doanh nghiệp quy mô từ lớn đến nhỏ, chuỗi giá trị hay gia công đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế... cũng là những thách thức mà ngành dệt may đã phải đối mặt trong năm 2023.
Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, Năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của xuất khẩu hàng dệt may, nhất là về thị trường và đơn hàng. Những yếu tố bất ổn kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm sức mua trên toàn cầu giảm, đặc biệt đối với hàng dệt may do không phải nhóm hàng thiết yếu cho nên tỷ lệ sụt giảm rất cao, lượng hàng tồn kho lớn. Xuất khẩu toàn ngành dệt may cả năm đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Nhưng phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn chung này, con số kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 là sự bứt phá, cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điểm nhấn nổi bật của ngành dệt may là sự đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, sản phẩm cũng như khách hàng. Chưa bao giờ dệt may Việt Nam xuất khẩu đến nhiều thị trường như thế, với 104 thị trường.
Dù vậy, kết thúc năm 2023, TNG vẫn có tình hình kinh doanh ổn định, không quá biến động. Cụ thể, doanh thu tại TNG đạt 7.096 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Về cơ cấu doanh thu TNG năm 2023, xuất khẩu tại TNG sang thị trường Mỹ giữ vai trò chủ đạo khi chiếm 53,17%, tiếp theo là châu Âu là 22,25%, Nga là 6,08%, châu Á là 0,19% và các thị trường khác là 18,31%.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của công ty này lại giảm 23% so với cùng kỳ, còn 226 tỷ đồng do giá vốn tăng cao, cộng thêm gánh nặng từ các chi phí hoạt động.
Tính riêng quý 4/2023, doanh thu thuần tại TNG đạt 1.654 tỷ đồng, tăng 9% và lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đi ngang mức 15%.
Về tình hình lao động, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành may mặc phải cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí, TNG vẫn đang duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động.
Mộng Diệp