Thử thách của U17 Việt Nam tại giải U17 châu Á
U17 Việt Nam đối diện với nhiều thử thách và áp lực tại vòng chung kết U17 châu Á 2025.
U17 Việt Nam dự vòng chung kết U17 châu Á 2025. Ảnh: Minh Dân
Vượt qua rào cản
Thời điểm trước khi ASEAN Cup 2024 diễn ra, các đội tuyển quốc gia Việt Nam vừa trải qua quãng thời gian khủng hoảng.
Trong khoảng nửa đầu năm 2024, đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Troussier bị loại sau vòng bảng Asian Cup 2023 và dừng bước ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Khi ông Kim Sang-sik nhậm chức, tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều hoài nghi, đặc biệt là sau 2 lượt trận cuối vòng loại World Cup hồi tháng 6.2024. Lúc bấy giờ, niềm tin của người hâm mộ đặt vào các đội tuyển trẻ quốc gia. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này lại không được đền đáp.
Đội tuyển U16 Việt Nam thi đấu bất ổn, không thể nối dài thành tích góp mặt ở chung kết giải U16 Đông Nam Á. Sau đó, thầy trò huấn luyện viên Trần Minh Chiến tiếp tục thua U16 Indonesia trong trận tranh hạng 3.
Trong khi đó, U19 Việt Nam sớm dừng bước ở vòng bảng giải vô địch U19 Đông Nam Á. Ngoài ra, cũng dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh, U20 Việt Nam (lực lượng nòng cốt vẫn là các cầu thủ U19) một lần nữa thất bại ở vòng loại U20 châu Á và không thể giành vé dự vòng chung kết.
Điểm sáng hiếm hoi của bóng đá Việt Nam thời điểm đó đến từ U17 Việt Nam. Dù phải đối diện với nhiều áp lực sau những thất bại của các đội tuyển U16, U19 và U20, thầy trò huấn luyện viên Cristiano Roland đã có màn thể hiện khá tốt để vượt qua vòng loại, giành vé đến vòng chung kết U17 châu Á 2025.
Quyết giành vé đến World Cup
Việc U17 World Cup tổ chức 5 năm liên tiếp, tính từ năm 2025 là giai đoạn vàng để những đội tuyển thuộc nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam nghĩ đến đấu trường thế giới.
Hơn thế nữa, cánh cửa đến với World Cup dành cho các đại diện châu Á cũng rộng mở hơn. Theo điều lệ, chỉ cần nằm trong nhóm 2 đội đứng đầu mỗi tại vòng chung kết U17 châu Á, tấm vé dự U17 World Cup sẽ hiện diện. Do vậy, mục tiêu mà U17 Việt Nam là một trong hai vị trí dẫn đầu tại bảng B.
Tuy nhiên, thử thách dành cho U17 Việt Nam không dễ dàng. Đoàn quân của huấn luyện viên Cristiano Roland được dự đoán gặp nhiều khó khăn khi các đối thủ đều rất mạnh, lần lượt là U17 Australia, U17 Nhật Bản và U17 UAE.
Về tổng quan, U17 Nhật Bản được xem là đội bóng mạnh nhất bảng đấu. Họ sở hữu đội hình chất lượng cùng những kết quả giao hữu tích cực. Dù mới chỉ hội quân từ cuối tháng 3 nhưng thầy trò huấn luyện viên Hiroyama Nozomi không mất nhiều thời gian để đưa đội bóng vào quỹ đạo.
Trong khi đó, U17 Australia và U17 UAE là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp của U17 Việt Nam. Những đại diện này đều có lực lượng nòng cốt giàu kinh nghiệm, thể hình và thể lực vượt trội so với các học trò của ông Roland.
Tuy nhiên, bóng đá trẻ vốn chứa đựng nhiều bất ngờ. Năm ngoái, U17 Việt Nam từng gây bất ngờ khi đánh bại U17 Nhật Bản tại giải giao hữu Peace Cup (Trung Quốc) hay U16 Việt Nam đánh bại U16 Australia 3-0 năm 2016.
Do vậy, "Những chiến binh sao Vàng" hoàn toàn có cơ sở để hướng đến những trận đấu tích cực. U17 Việt Nam cần tự tin, chủ động và lựa chọn lối chơi phù hợp trước những đối thủ khác nhau.