Khai mạc lễ hội Phủ Dầy năm 2025
Tối 31/3 (tức mùng 3/3 âm lịch), tại xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) khai hội Lễ hội Phủ Dầy 2025.
![]() |
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Lễ hội Phủ Dày 2025. |
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Lễ hội Phủ Dầy 2025
Lễ hội diễn ra từ ngày 31/3 đến 5/4 (tức từ mùng 3 đến mùng 8/3 âm lịch) với các hoạt động văn hóa truyền thống. Trong đó, ngày 31/3 tổ chức khai hội, dâng hương và các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian tại quần thể di tích Phủ Dầy; ngày 1/4 có Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn tại Phương du phủ Tiên Hương và Phương du Phủ Vân Cát;
Ngày 2/4 diễn ra lễ rước Mẫu thỉnh Kinh từ Phủ Vân Cát lên Chùa Báng (Linh Sơn tự); buổi tối lễ rước đuốc đăng long, bắn pháo hoa tại Phủ Tiên Hương; ngày 3/4 lễ rước Mẫu thỉnh Kinh từ phủ Tiên Hương lên Chùa Tiên Hương (Tiên Linh tự) và tổ chức thi đấu cờ người tại Phủ Vân Cát.
Đặc biệt, trong các ngày 4 và 5/4, tại Phủ Vân Cát và Phủ Tiên Hương diễn ra hội kéo chữ (Hoa trượng hội) với các bộ chữ “Mẫu nghi thiên hạ” và “Quốc thái dân an”…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh phát biểu tại Lễ khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Phủ Dầy vẫn duy trì được quy mô, xứng đáng là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định và mang tầm quốc gia. Để lễ hội năm 2025 diễn ra an toàn và thành công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Vụ Bản và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quy chế quản lý và phát huy giá trị di tích Phủ Dầy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di tích và lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2013, cùng với “Nghi lễ chầu Văn của người Việt”, Lễ hội Phủ Dầy được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hằng năm, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức bởi chính quyền và nhân dân địa phương, với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc tại hơn 20 điểm di tích, bao gồm đền, đình, chùa, lăng, miếu, phủ. Đây là hệ thống thần điện Đạo Mẫu hoàn chỉnh và quy mô lớn nhất cả nước.