Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thẻ bảo hiểm y tế giấy sẽ sớm bị xóa sổ, người dân lo lắng

Từ ngày 1.6, BHXH chỉ thực hiện cấp mới thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.

Thẻ bảo hiểm y tế giấy sẽ sớm bị xóa sổ, người dân lo lắng

Người già đi khám bảo hiểm y tế tại một cơ sở y tế tuyến trung ương. Người già và trẻ em là những đối tượng có thể gặp khó nếu không có thẻ BHYT giấy. Ảnh: Thùy Linh

Những trường hợp được cấp mới thẻ BHYT giấy

Theo văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành, BHXH các khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũ đến hết ngày 31.5.

Sau khi có quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính.

Giám đốc BHXH Việt Nam được giao trách nhiệm tổ chức, sắp xếp để các đơn vị thuộc và trực thuộc BHXH Việt Nam đi vào hoạt động theo mô hình mới trong thời hạn tối đa ba tháng kể từ ngày 24.2.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trong thời gian tổ chức, sắp xếp các đơn vị đi vào hoạt động theo mô hình mới và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, BHXH các khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT cũ đến hết ngày 31.5.

Từ ngày 1.6 đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, người tham gia BHYT sẽ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID), ứng dụng VNeID và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID; căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy.

Việc cấp mới thẻ BHYT giấy chỉ được thực hiện đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.

BHXH khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo về BHXH Việt Nam để được xem xét, giải quyết.

Người già và trẻ em không dùng điện thoại thông minh thì tính sao?

Trước thông tin về việc thẻ BHYT giấy sẽ bị hạn chế trong thời gian tới, anh N.M.A (Hà Nội) nêu ý kiến: "Đề nghị BHXH Việt Nam cần nâng cấp, cải tiến ứng dụng VssID thường xuyên để luôn trơn tru, đăng ký/đăng nhập được nhanh chóng, thuận lợi.

Thực tế, người đã sử dụng ứng dụng này còn gặp khó khăn khi cài đặt giúp VssID cho người thân, huống chi người cao tuổi, không rành công nghệ. Đăng ký app cứ quay mòng mòng, có khi chờ app gửi mã OTP để đăng ký/xác nhận mật khẩu phải sau vài ngày mới có kết quả".

Nhiều ý kiến khác cho rằng, nên xem xét chủ động cấp thẻ giấy cho đối tượng trẻ dưới 6 tuổi và người lớn từ 60 tuổi trở lên vì nhóm đối tượng này không sử dụng điện thoại thông minh, cũng như gặp khó khăn trong ghi nhớ, thao tác để sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.

"Theo tôi nên cấp thẻ BHYT giấy cho người cao tuổi, vì như bố mẹ tôi đã già, không sử dụng được điện thoại thông minh. Hoặc có người lại dùng điện thoại đời cũ, lỗi thời chỉ để nghe gọi với con cháu, không còn hỗ trợ cài đặt được ứng dụng VNeID nên nếu áp dụng thẻ BHYT điện tử thì nhóm đối tượng này sẽ gặp gián đoạn và khó khăn trong khi họ là nhóm đối tượng cần sử dụng thẻ BHYT thường xuyên"- ông H.M.A (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến.

Bộ Y tế đề xuất cấp thẻ giấy khi người tham gia BHYT yêu cầu

Trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về thủ tục cấp thẻ BHYT cho người dân.

Trong đó Bộ Y tế nêu rõ cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp cho từng người tham gia BHYT thẻ BHYT điện tử.

Trường hợp người tham gia BHYT đề nghị thì cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT bản giấy.

Trường hợp cấp thẻ BHYT điện tử, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH trả kết quả thẻ BHYT điện tử vào tài khoản VNeID, ứng dụng VssID, email.

Người tham gia BHYT sử dụng thiết bị điện tử có cài đặt VNeID hoặc VssID có kết nối Internet để nhận thẻ BHYT điện tử.

Trường hợp cấp thẻ BHYT bản giấy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH chuyển thẻ BHYT bản giấy cho người tham gia BHYT hoặc tổ chức quản lý đối tượng để chuyển lại cho người tham gia BHYT.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, việc cấp BHYT thực hiện liên thông cùng với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú theo quy định của Chính phủ. Luật BHYT sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.7.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...