Vì sao cúng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực?
Tục ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực của người Việt Nam ít nhất đã có từ trước thời Lê Trung hưng, vì nhà bác học Lê Quý Đôn từng ghi chép về tục này.
Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Tết Hàn thực . Tuy có vẻ ngoài đơn giản nhưng hai loại bánh này mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc và là biểu tượng văn hóa có giá trị lớn trong đời sống của người Việt.
Tại sao cúng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực?
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Hoa, gắn liền với truyền thuyết về Giới Tử Thôi một hiền thần thời Xuân Thu. Do không muốn màng quyền lợi, ông đã lui về ở ẩn với mẹ trong rừng khi nhà vua quên luận công ban thưởng cho mình, thà chết cháy cũng không ra nhận ân huệ muộn màng của vua. Tương truyền ông mất vào ngày 3/3 Âm lịch và người dân nước Tấn lúc đó và người Trung Quốc sau này tưởng niệm ông bằng cách không đốt lửa trong ngày giỗ Giới Tử Thôi, chỉ ăn đồ lạnh.
Người Việt Nam cũng ăn Tết Hàn thực nhưng không phải để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, cũng không kiêng đốt lửa mà vẫn nấu nướng bình thường. Các gia đình biện lễ gồm hương hoa, trái cây để cúng tổ tiên, thần linh và đặc biệt dâng cúng hai món truyền thống của Tết Hàn thực là bánh trôi và bánh chay.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Dực, phong tục ăn bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực tại Việt Nam bắt đầu từ thời Lê Trung hưng (1533 - 1789). Những ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy”.
Phong tục này đã được người Việt coi trọng từ lâu đời, thể hiện qua việc chế biến và thưởng thức bánh trôi nước vào ngày mùng 3/3 Âm lịch.
Còn theo trả lời của tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng trên báo Lao Động , Tết Hàn thực có nghĩa là ngày lễ ăn đồ lạnh, tuy nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi truyền vào Việt Nam thì đã được biến tấu phù hợp với văn hóa và phong tục địa phương. Việc chế biến bánh trôi và bánh chay từ gạo nếp – một sản phẩm của nền văn minh lúa nước – thể hiện sự sáng tạo và bản sắc của người Việt. Bánh trôi và bánh chay tượng trưng cho thành quả lao động của con người, được sử dụng để thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và tri ân.
Truyền thuyết bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ cũng được nhắc đến khi nói về nguồn gốc của việc làm bánh trôi bánh chay. Theo đó, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên núi theo mẹ, còn bánh chay là biểu tượng của 50 quả trứng còn lại nở thành người con theo cha về biển. Qua đó, phong tục làm và cúng bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của tổ tiên.
Mâm lễ tết Hàn Thực truyền thống. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Bánh trôi và bánh chay mỗi loại có hình dáng, nguyên liệu khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc về triết lý nhân sinh và vòng đời.
Bánh trôi với hình tròn nhỏ, vỏ làm bằng bột nếp trắng, bên trong là nhân đường phên, bánh trôi thường được coi là biểu tượng cho sự vẹn toàn, viên mãn. Khi thả vào nước sôi, bánh nổi lên, thể hiện sự tinh khiết, đoàn kết gia đình và lòng trung hậu, thủy chung của người phụ nữ.
Còn bánh chay cũng được làm từ bột nếp nhưng không có nhân, bánh chay thường được ngâm trong nước cùng một lớp nước đường thơm lừng và chút đậu xanh giã nhuyễn. Bánh chay thể hiện sự thanh tịnh, an lành và còn mang nét thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên.
Bánh trôi ngũ sắc với các nguyên liệu tự nhiên. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Mâm lễ Tết Hàn thực cúng thần linh. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Việc cúng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực cũng là cơ hội để con cháu tưởng nhớ về cội nguồn, tri ân tổ tiên. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau làm bánh, nấu nướng và tôn thờ những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Ngoài ra, việc cúng và thưởng thức bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực không chỉ là một tục lệ, mà còn là cách người Việt giữ gìn và tôn vinh truyền thống dân tộc. Đây là dịp để người Việt cùng nhìn lại, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và tiếp nối những nét đẹp tâm linh qua từng thế hệ.