Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Giữ lửa cho Hội hát chèo tàu Tổng Gối

Hội hát chèo tàu Tổng Gối, loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với chính quyền và người dân địa phương, khẳng định giá trị đặc sắc của một loại hình diễn xướng dân gian hiếm gặp tại vùng đất ven sông Hồng.

*Lời ca được truyền miệng nguyên vẹn suốt hàng thế kỷ

Hội hát chèo tàu Tổng Gối là lễ hội truyền thống độc đáo, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, diễn ra từ ngày 13-15 tháng Giêng. Theo các bậc cao niên, Hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683, gắn với việc tôn vinh công lao tướng Văn Dĩ Thành – người có công chống giặc Minh, giữ yên bờ cõi. Theo Ngọc phả, ông là bậc “văn võ toàn tài”, được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Từ đó, mỗi dịp Rằm tháng Giêng, dân làng Tân Hội lại long trọng tổ chức tế lễ và hát chèo tàu để tưởng nhớ công đức vị danh tướng.

Hình thức diễn xướng độc đáo này gồm các phần hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ, với 20 làn điệu cổ và hai nhân vật chính là “tàu” và “tượng” hát đối đáp ca ngợi Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Điểm đặc sắc và độc đáo nhất của Lễ hội hát chèo tàu là trình diễn “chèo tàu trên cạn”, dùng các đạo cụ truyền thống như thuyền và voi gỗ. Lời ca được truyền miệng nguyên vẹn suốt hàng thế kỷ, không bị mai một hay lai căng.

Lần gần nhất, Hội hát chèo tàu được tổ chức trước thế kỷ XXI là vào năm 1922. Sau đó, chiến tranh và biến động xã hội khiến lễ hội gián đoạn gần 100 năm. Phải đến năm 2015, Hội mới được khôi phục, với chu kỳ tổ chức rút xuống còn 5 năm/lần.

Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu – Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội cho biết, hát chèo tàu đặc biệt ở chỗ, trừ hai vị trí Cái tàu và Chiêu quân có thể do phụ nữ đã có gia đình diễn xướng, còn lại bắt buộc ca nương phải là các cô gái ở độ tuổi 13 – 18, chưa lập gia đình. Yêu cầu nghiêm ngặt này khiến việc tuyển chọn, truyền dạy hát chèo tàu khó khăn, vất vả hơn các loại hình nghệ thuật khác.

Hiện câu lạc bộ có hơn 40 thành viên, trong đó khoảng 20 em gái ở độ tuổi thiếu niên đang học hát và luyện múa thường xuyên. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và ngành văn hóa, nhiều làn điệu cổ đã được sưu tầm và biểu diễn tại các sự kiện lớn, như lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô năm 2024. Cùng với ca trù xã Thượng Mỗ, Hội diều Bá Dương Nội xã Hồng Hà, Hội hát chèo tàu Tổng Gối, xã Tân Hội là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc của huyện Đan Phượng.

* Giữ lửa cho di sản đặc biệt

Ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ghi danh Hội hát chèo tàu Tổng Gối vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui lớn đối với người dân và chính quyền xã Tân Hội.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Ngô Văn Mạnh chia sẻ: Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của thành phố, huyện và đơn vị hành chính mới xã Ô Diên để mở rộng không gian diễn xướng, bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản.

Trong những năm gần đây, Tân Hội là một trong những địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống văn hóa, kinh tế ngày càng phát triển. Các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại 4 thôn trong xã được duy trì thường xuyên, góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn di sản. Việc tổ chức Hội hát chèo tàu nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Một số ý kiến cho rằng, để di sản được phát huy, không bị rơi vào quên lãng, các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp học, câu lạc bộ dân gian tại trường học, nhà văn hóa để dạy cho thế hệ trẻ lời ca, điệu múa, nghi lễ Hội chèo tàu. Các nghệ nhân cao tuổi cần được mời giảng dạy, biểu diễn mẫu để truyền nghề cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, cần đưa các nội dung về Hội chèo tàu vào chương trình giáo dục địa phương trong môn lịch sử - văn hóa, đồng thời khuyến khích học sinh tham gia biểu diễn, thực hành để gắn bó hơn với di sản;...

Ngoài ra, Hội hát chèo tàu Tổng Gối cần được giới thiệu rộng rãi hơn trên các nền tảng số: YouTube, Facebook, TikTok, website của địa phương, các trang du lịch... để lan tỏa giá trị di sản.

Nghệ nhân Ngô Thị Thu cho biết: “Chúng tôi dự kiến mở lớp dạy hát trong tháng 6, tháng 7 tới để bồi dưỡng thế hệ kế cận, giữ lửa cho di sản đặc biệt này”./.

Tuyết Mai


Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...