Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hòa Bình - Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hòa Bình có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao Bằng Chứng nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh

Tối ngày 31.7, trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã đón bằng chứng nhận Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lể, bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. 

 

Bộ lịch tre (Lịch Đoi/Roi) của dân tộc Mường. 

Bà Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, tỉnh Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, được mệnh danh là “miền đất sử thi”, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường với các di sản văn hóa nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước...

Lễ hội truyền thống Khai Hạ và Tri thức dân gian Lịch Tre (Lịch Đoi/Roi) của người Mường chứa đựng những nét văn hoá độc đáo, lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường tỉnh Hoà Bình.

Lễ hội Khai Hạ của người Mường Hòa Bình còn gọi là Lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, đây là lễ hội dân gian gắn với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn văn minh của người Việt cổ và đã trở thành hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa.

Tri thức dân gian lịch tre của người Mường, được làm từ 12 thanh tre tương ứng với 12 tháng. Người Mường gọi là “Lịch Đoi/Roi” bởi lịch này được phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao Đoi/Roi – còn gọi là sao Tua Rua – chòm sao có 7 ngôi vận hành theo chiều từ Đông sang Tây.

Lễ hội Khai hạ bốn mường Hòa Bình được tái hiện lại sinh động, đặc sắc.

Lễ hội Khai hạ bốn mường Hòa Bình được tái hiện lại sinh động, đặc sắc.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch rất độc đáo. Theo Lịch Đoi/Roi, dân tộc Mường Hòa Bình tính ngày Âm lịch không chỉ theo sự vận hành của Mặt Trăng mà còn lồng ghép yếu tố thời tiết vào chu kỳ vận hành của sao Đoi/Roi.

Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong nhân dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết