Giá thép hôm nay 11/7/2022: Đồng loạt giảm mạnh
Ghi nhận vào lúc 10h20 ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức 4.046 nhân dân tệ/tấn. Bên cạnh đó, giá thép trong cũng điều chỉnh giảm lần thứ 8 xuống còn 16 triệu đồng/tấn.
Các công ty thép lớn của Ấn Độ nhận định rằng, giá hợp kim đã chạm đáy và chỉ có thể tăng lên từ đây, Financial Express đưa tin. Dữ liệu của SteelMint cho thấy, giá thép cuộn cán nóng (HRC) chuẩn đã giảm khoảng 24% từ mức đỉnh 78.000 rupee/tấn vào ngày 6/4 xuống 59.800 rupee/tấn vào ngày 6/7.
Ông TV Narendran - Giám đốc Điều hành của Tata Steel, nhận xét rằng giá sẽ không thể giảm được nữa. Đồng thời, ông Ranjan Dhar - Giám đốc Tiếp thị của ArcelorMittal-Nippon Steel India, cũng cho biết, giá đã chạm mức chi phí của các nhà máy và không có khả năng giảm thêm.
Ảnh minh họa |
Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2022, giá HRC đã dao động trong khoảng 36.500 - 39.800 rupee/tấn, sau đó bắt đầu tăng từ mức 38.750 rupee/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 8/2020 để đạt mức cao nhất là 78.800 rupee/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 4/2022.
Mặc dù mức tăng không phải lúc nào cũng ổn định, nhưng giá trung bình hàng tháng chưa bao giờ giảm xuống dưới 55.300 rupee/tấn trong toàn bộ năm 2021.
Xu hướng giảm càng trở nên trầm trọng hơn khi chính phủ Ấn Độ áp thuế 15% đối với các loại thép xuất khẩu khác nhau từ ngày 22/5. Mục đích của động thái này là nhằm đảm bảo có nhiều lượng hàng hơn ở thị trường nội địa và kiểm tra hành trình đi lên phía Bắc của giá.
Kể từ đó, giá tại thị trường bán buôn Mumbai đã giảm khoảng 10%, và xuất khẩu cũng đã cạn kiệt. Trong tháng 6, xuất khẩu thép thành phẩm đã giảm hơn một nửa so với mức 1,09 tấn được ghi nhận trong tháng 5.
Ngoài việc gây áp lực buộc ngành công nghiệp trong nước phải bán sản phẩm của mình tại thị trường nội địa, các hạn mức thuế còn “cướp đi” khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường quốc tế.
Một số cơ quan xếp hạng đã dự đoán xuất khẩu thép của nước này sẽ giảm khoảng 25 - 40% trong năm tài khóa hiện tại. Theo ghi nhận, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thép thành phẩm trong năm tài chính vừa qua.
Tại thị trường trong nước, ngày 8/7, các thương hiệu thép lớn tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 200.000-310.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16-16,6 triệu đồng/tấn. Đây là đợt thứ 8 liên tiếp kể từ ngày 11/5, số liệu của Steel Online.
Theo đó, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát hiện sau khi giảm 260.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn, xuống còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn. Tương tự, thép Việt Ý cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn, giảm 210.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn hiện ở mức hơn 16 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 260.000 đồng/tấn có giá 16,5 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Trung, thương hiệu này chỉ giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160.000 đồng/tấn ở mức 16,6 triệu đồng/tấn.
Trong số các doanh nghiệp thép, Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17 triệu đồng/tấn. Sau khi giảm 250.000 - 310.000 đồng/tấn, giá thép cuốn CB230 của Pomina đang ở mức 17 - 17,2 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 17,5 triệu đồng/tấn.
Như vậy, trong 2 tháng, giá thép ghi nhận lần giảm thứ 8 với tổng mức giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.
Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố là giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ. Bên cạnh đó, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu thép và giá thép.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 7, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.
Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, giá nguyên liệu và mùa cao điểm xây dựng đã qua…
Cũng nói về tương lai ngành thép quý II, III, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã dùng hai từ "thê thảm".
"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm. Đó là vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022", ông Long nói.
Hạ Vy