Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng dầu hôm nay 8/7/2022: Lao dốc, dầu Brent về mức 100 USD/thùng

Ghi nhận vào lúc 6h ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thế giới đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một lớn, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 94,52 USD/thùng, giảm 0,46 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 7/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2022 đã giảm tới 3,48 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 100,17 USD/thùng, giảm 0,52 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 3,87 USD so với cùng thời điểm ngày 7/7.

Giá dầu đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một lớn, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Áp lực lạm phát gia tăng cộng với làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang tác động mạnh đến các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất cũng như khả năng chi trả, tiêu dùng của người dân các nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu tiêu thụ cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp hạn chế di chuyển mới. Ở diễn biến mới nhất, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và UBS cũng đã đưa ra các cảnh báo trên và cho rằng triển vọng giá dầu hiện đang rất khó khăn.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, giá dầu thô hiện còn đang chịu áp lực từ việc chính phủ các nước đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất để tăng sản lượng cũng như nâng cao năng lực sản xuất.

Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD duy trì đà tăng, liên tiếp lập đỉnh mới nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7/2022.

Ngoài ra, thông tin về dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh cũng khiến giá dầu ngày 7/7 giảm mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo được Dầu khí Mỹ (API) phát đi ngày 6/7 dự trữ trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 1/7 đã tăng tới 3,825 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1,1 triệu thùng được các nhà phân tích đưa ra trước đó.

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 1/7, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính quyết định, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 800 đồng/kg và không trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 và dầu diesel (như kỳ trước). Đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 30.891 đồng/lít (giảm 411 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.872 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 32.763 đồng/lít (giảm 110 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 29.615 đồng/lít (giảm 404 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 28.353 đồng/lít (giảm 432 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 19.722 đồng/kg (giảm 1.013 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Như vậy, sau 7 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp, hôm nay là lần liên tiếp giá xăng dầu thông dụng được điều chỉnh giảm nhẹ. Nhưng với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.

Brent giữ giá trên 100 USD/thùng trong sự giằng co giữa nguồn cung thắt chặt và lo ngại suy thoái

Trong giao dịch biến động, giá dầu dao động giữa mức giảm 2 USD và mức tăng gần 1 USD.

Trong những tuần gần đây, giá dầu đã trượt dài, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế mạnh và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa. Dầu Brent và WTI đóng cửa hôm thứ Tư (6/7) ở mức thấp nhất kể từ ngày 11/4. Sự sụt giảm này tiếp theo sau sự sụt giảm mạnh vào thứ Ba khi dầu WTI giảm 8% trong khi dầu Brent giảm 9%, mức giảm 10,73 USD, mức giảm lớn thứ ba đối với hợp đồng dầu Brent kể từ khi dầu Brent bắt đầu được giao dịch vào năm 1988.

Warren Patterson, chuyên gia đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING cho biết những lo ngại về suy thoái tiếp tục gia tăng, làm dấy lên một số lo ngại về triển vọng nhu cầu. Ông cũng cho biết rằng thật khó để dầu giảm giá quá mức vì chênh lệch giá dầu Brent hàng tháng vẫn ở mức sâu, cho thấy giá giao dịch trong tháng nhanh chóng cao hơn so với các tháng trong tương lai.

Warren Patterson nói thêm các cuộc đàm phán hạt nhân Iran gần đây dường như không đạt được nhiều thành tựu, sau khi Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran hôm thứ Tư (6/7), gây sức ép với Tehran khi nước này tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Chuyên gia Fereidun Fesharaki thuộc công ty tư vấn FGE cho biết nếu dự báo suy thoái không quá nghiêm trọng, giá dầu thô nên duy trì trong khoảng 100 USD/thùng trong 2-3 năm tới.

Các thương nhân đang theo dõi sự gián đoạn nguồn cung dầu có thể xảy ra tại Caspian Pipeline Consortium (CPC), đã bị tòa án Nga yêu cầu tạm ngừng hoạt động trong 30 ngày. Sáng thứ Tư (6/7), dầu xuất khẩu vẫn chảy qua các đường ống tại CPC.

Linh Linh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...