Vàng trong nước biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng ngày 8/7
Ghi nhận vào lúc 9h10 ngày 8/7, giá vàng trong nước tăng giảm trái chiều không quá 100.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng. Trên thế giới, giá vàng tăng nhờ đồng USD giảm và nhu cầu bắt đáy của một số nhà đầu tư sau hai phiên giảm sâu.
Cụ thể, giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cho cả chiều mua lẫn chiều bán. Trong khi đó, Tập đoàn Doji điều chỉnh giá mua giảm 50.000 đồng/lượng và giá bán giảm 100.000 đồng/lượng.
Tương tự, hệ thống PNJ niêm yết vàng SJC đi ngang (mua vào) và giảm 50.000 đồng/lượng (bán ra). Cùng thời điểm khảo sát, vàng SJC đứng yên cho cả hai chiều giao dịch tại doanh nghiệp Phú Quý.
Hiện giá trần mua vào của vàng miếng SJC trong phiên giao dịch hôm nay là 67,90 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra là 68,52 triệu đồng/lượng. Trong sáng nay, giá vàng 24K, vàng nữ trang SJC loại 18K và vàng nữ trang SJC loại 14K đồng loạt đứng yên không đổi ở cả hai chiều mua - bán.
Ảnh minh họa |
Diễn biến thị trường vàng trong nước vẫn lạc lõng so với thế giới, khi mức chênh lệch vẫn đứng ở mức cao kỷ lục, cao hơn 18 triệu đồng/lượng - với vàng SJC và hơn 3 triệu đồng/lượng với giá vàng 9999, vàng trang sức. Nguồn cung khan hiếm, trong khi cầu trong những ngày này vẫn tăng mạnh, vàng giao dịch hiện nay chủ yếu là mua đi, bán lại. Giới chuyên gia cho rằng, diễn biến thị trường cho thấy, trong nước đang "hóng" sửa đổi Nghị định 24 về nhập khẩu vàng nhằm tăng sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thế giới, tránh những bất cập hiện nay.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 8/7, giá vàng giao ngay tăng 0,18% lên 1.743,1 USD/ounce vào lúc 7h29 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,1% lên 1.741,5 USD.
Thị trường đang ghi nhận một số nhu cầu bắt đáy sau đợt bán tháo mạnh của vàng, ông David Meger của High Ridge Futures cho biết. "Rõ ràng xuất hiện một số người quan tâm đến việc mua vàng sau khi giá giảm xuống mức thấp 1.700 USD", ông nói.
Đà tăng của đồng USD chững lại cũng hỗ trợ sự phục hồi của kim loại quý, ông cho biết thêm.
Ngày 6/7, biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tình hình lạm phát xấu đi và lo ngại về việc mất niềm tin vào khả năng kiềm chế của ngân hàng trung ương đã thúc đẩy mức tăng lãi suất lớn nhất của Mỹ trong gần ba thập kỷ.
Vàng đã giảm hơn 300 USD kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 để kiềm chế lạm phát bất ổn, theo đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, theo Reuters.
Chất xúc tác tiếp theo cho thị trường có thể đến vào thứ Sáu (8/7) khi báo cáo thị trường lao động dự kiến được công bố. Dữ liệu được phát hành vào sáng ngày 7/7 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng vào tuần trước và nhu cầu lao động chậm lại, trong khi tình trạng sa thải tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng vào tháng trước.
Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 19,21 USD/ounce, giá bạch kim tăng 2,2% lên 874,82 USD và giá palladium tăng 5,6% lên 2.011,42 USD.
Chuyên gia phân tích Edward Moya của OANDA cho rằng, giá vàng ngày càng khó dự đoán khi nhiều nhà đầu tư tái cân bằng danh mục đầu tư trong nửa cuối năm vì lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Trong khi vẫn có những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho kim loại quý, WGC cảnh báo các nhà đầu tư rằng, vàng vẫn phải đối mặt với một số thách thức phức tạp trong nửa cuối năm.
Yếu tố chi phối thị trường vàng vẫn là lãi suất tăng trên toàn thế giới, dẫn đầu là Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng trước. Thị trường đang dự đoán về 75 điểm cơ bản khác trong tháng Bảy. "Tập trung mạnh mẽ vào tốc độ tăng lãi suất trong tương lai và đồng USD mạnh hơn là những xu hướng chính đối với đầu tư vàng hiện nay", theo các nhà phân tích.
Thanh Hằng