Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gấp rút chuẩn bị nguyên liệu đáp ứng người tiêu dùng cuối năm

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là khép lại năm 2022, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang gấp rút chuẩn bị kinh phí, tích trữ nguyên liệu, lập kế hoạch bán hàng và tung ra các chương trình khuyến mãi lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cuối năm.

Gấp rút chuẩn bị nguyên liệu đáp ứng người tiêu dùng cuối năm

Ngành bán lẻ kỳ vọng sáng sủa trong các tháng cuối năm. Ảnh: DN

Dự đoán sức mua tăng

Theo ông Trung Kiên - nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm 2022 của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Phía Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương cho biết, đơn vị này đã bắt đầu khởi động cho việc sản xuất hàng cuối năm. Sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường trong dịp này của doanh nghiệp đã tăng khoảng 5 - 10% so với năm ngoái. Doanh nghiệp cũng đang cân đối lại các chi phí vận hành như giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, nhân công, để giữ giá đầu ra ổn định, kết nối sớm với các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm Tết lên các sàn thương mại điện tử.

Đại diện Central Retail cũng tự tin, doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào nhóm khách hàng lớn có mức thu nhập từ thấp đến trung bình, cố gắng cung cấp mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Với khách thuê tại trung tâm thương mại, Central Retail sẽ sắp xếp hợp lý để bổ sung cho nhau và cung cấp một điểm đến mua sắm có giá cả phải chăng, tạo nên với mô hình đa tiện ích.

Ngành bán lẻ kỳ vọng sáng cửa 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10.2022 ước đạt 486,4 nghìn tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Theo SSI Research, diễn biến ngành bán lẻ sẽ tiếp tục đi theo mô hình chữ K. Khi các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát. 

Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Bên cạnh đó, sức mua tuy đã hồi phục trở lại nhưng chưa mạnh bởi nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý phải cắt giảm chi tiêu do lạm phát, giá xăng dầu biến động. 

Để tạo thêm sức bật cho các doanh nghiệp bán lẻ, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - mới đây cũng thông tin, Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, qua đó nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ hàng Việt, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ.


Nguồn:https://laodong.vn/thi-truong/gap-rut-chuan-bi-nguyen-lieu-dap-ung-nguoi-tieu-dung-cuoi-nam-1111822.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết