Biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng ế ẩm: Cắt lỗ “đậm” tiền tỷ vẫn không khách mua
Từng mệnh danh là “tài sản” sinh lời bền vững với dòng tiền đều đặn mỗi tháng, đến nay, loại hình biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng trong tình trạng ế ẩm, thanh khoản chậm.
Anh Ngọc, môi giới chuyên dòng sản phẩm này tiết lộ: Biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng hiện tại khá ế ẩm. Trên thị trường thứ cấp, người bán nhiều hơn người mua.
“Đơn cử như một dự án tại Phan Thiết, trước đó, nhiều thông tin không tích cực từ chủ đầu tư xuất hiện khiến lượng hàng bán tháo ra khá lớn. Nhiều nhà đầu tư vay ngân hàng 70-80%, không đủ khả năng chi trả tiếp tiến độ buộc phải cắt lỗ, thậm chí chấp nhận mất trắng khoản đặt cọc ban đầu”, anh Ngọc chia sẻ.
Làm nghề hơn 8 năm, gắn bó với công việc môi giới bất động sản biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng 4 năm, trong câu chuyện mà anh Ngọc chia sẻ, đã có thời điểm hoàng kim của loại hình này. Chỉ mới 2 năm trước, có thời điểm “sốt”, mỗi tháng, anh Ngọc chốt bán 2-3 căn. Thậm chí, trên thị trường thứ cấp, khách quan tâm và chốt mua chóng vánh. Nhưng kịch bản đó đã không còn tiếp diễn khi đến hiện tại, nhiều căn cắt lỗ “đậm” tới 30% cũng không có người mua.
“Giao dịch về bản chất vẫn túc tắc nhưng ít. Khách vẫn lựa chọn căn đẹp, vị trí tốt, pháp lý đầy đủ để đầu tư kinh doanh mở nhà hàng. Nhưng với biệt thự, nhà phố nằm trong khu đô thị hoang vắng, chưa có nhiều dân cư, ế rất lâu. Tôi có vài khách ở Phú Quốc, bỏ vài chục tỷ mua nhà phố với biệt thự nhưng rao bán gần 2 năm vẫn không ai mua”, anh Ngọc chia sẻ thêm.
Anh C.N.T, lãnh đạo công ty bất động sản chuyên phân phối biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng cho biết: “Gần như khách mua không có. Ở thời điểm thị trường tốt, sản phẩm thấp tầng ven biển dù pháp lý 50 năm vẫn bán ổn nhưng đến hiện tại thì rất khó bán dù chính sách của chủ đầu tư chiết khấu tốt”.
Một báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường DKRA, lượng hàng tồn kho của nhà thổ ven biển xấp xỉ lên tới 30.000 căn. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam. Dữ liệu của đơn vị này ghi nhận, trong 2.400 căn đã mở bán nhưng ế và khoảng 12.600 căn thuộc giai đoạn tiếp theo của các dự án còn lưu kho, vướng giai đoạn bất động sản đóng băng nên chưa kịp tung ra thị trường.
Tại phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, chỉ có 50 căn bán được trong quý II, sức tiêu thụ giảm 95% so với cùng kỳ. Ở phía Nam, giá cao nhất biệt thự lên đến 72 tỷ đồng một căn, giá bình quân khoảng 30 tỷ đồng một căn. Ở phía Bắc, giá bán cao nhất 28,8 tỷ đồng một căn, còn mức phổ biến khoảng 15 tỷ đồng. Lượng giao dịch chỉ xuất hiện cục bộ tại một vài dự án.
Còn ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, lượng hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng gần 15.000 căn. Trong đó, gần 2.500 căn đã mở bán nhưng không có khách mua. Khoảng 12.400 căn thuộc các dự án đã công bố ra thị trường nhưng nằm chờ.
Theo báo cáo của đơn vị này, lượng giao dịch nhà phố, shophouse biển chỉ bán được 33 căn trong quý II. Sức tiêu thụ giảm 97% theo năm. Hơn 80% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng để điều chỉnh lại giá bán và chính sách bán hàng.
Đáng chú ý, các chính sách cam kết thuê lại, mua lại hay hỗ trợ lãi suất không mang lại hiệu quả cao trong bán hàng. Nhiều chủ đầu tư chiết khấu sâu lên tới 40-50% nhằm thu hồi vốn và tăng thanh khoản.