Nở rộ homestay, nhiều nơi "mạnh ai nấy làm"
Khảo sát của PV Tiền Phong tại Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Sơn La và nhiều địa phương cho thấy việc phát triển loại hình dịch vụ homestay chủ yếu mang tính tự phát, thiếu đầu tư, hướng dẫn, quy hoạch...
Sơ sài phòng cháy chữa cháy
Khảo sát trực tiếp tại các homestay ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, PV Tiền Phong nhận thấy mô hình lưu trú này khá phát triển trong những năm gần đây. Homestay xuất hiện tại hàng trăm điểm thuộc các thôn bản và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đáng kể cho người dân địa phương. Bên cạnh những tác động tích cực, tại đây cũng bộc lộ hạn chế trong quản lý, nhất là về công tác hỗ trợ đào tạo, phòng cháy chữa cháy, quảng bá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Một cán bộ UBND xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn) cho biết, khoảng 2 năm trước, trên địa bàn xã cũng nở rộ mô hình kinh doanh lưu trú theo kiểu homestay. Người dân nhiều nơi về Tân Vinh mua đất xây dựng homestay. Sau đó, người dân cho doanh nghiệp thuê kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng và cùng chia lợi nhuận. Lúc cao điểm, trên địa bàn xã có 54 hộ kết hợp với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ homestay. “Hầu hết các homestay chỉ cam kết, trang bị bình cứu hỏa, chứ không có phương án, thiếu phương tiện chữa cháy”, vị cán bộ này chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trên địa bàn xã Cao Sơn huyện Lương Sơn, ngoài những tồn tại về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy thì vi phạm của cơ sở homestay chủ yếu là liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo đó, các chủ đầu tư tuy không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nhưng vẫn xây dựng homestay theo kiểu vừa hoạt động, vừa hoàn thiện hồ sơ. Điển hình là các cơ sở như An Viên Homestay, Oa Villas, Nả Yên, Đồi Cỏ Mơ… Theo thống kê của UBND xã Cao Sơn, hiện cả xã có 14 homestay đang hoạt động. Trong đó, 7 homestay đã có giấy phép, 2 homestay chưa được cấp phép đã dừng hoạt động và 5 homestay vừa hoạt động, vừa hoàn thiện hồ sơ.
Tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù chính quyền sở tại đã chấn chỉnh nhưng số lượng homestay hoạt động không phép còn nhiều, nhất là khu vực thị trấn Tam Đảo và các xã lân cận. Nhiều homestay nằm trên sườn núi được xây dựng tạm bợ bằng mái tôn và vật liệu nhẹ. Không ít homestay tại đây nếu lưu trú, đi mỏi mắt cũng không thấy bình cứu hỏa và nguồn nước chữa cháy.
Nhiều gia đình tận dụng đất vườn, đất canh tác, nương rẫy để xây dựng homestay. Trong khi đó, vào dịp cuối tuần và những ngày hè nóng nực vừa qua, lượng khách từ Hà Nội và các tỉnh đổ về đây khá lớn. Vấn đề nhức nhối nữa tại các khu homestay, là xử lý môi trường, nước thải chưa được quan tâm. Nhiều nơi xả rác khá tùy tiện... Tại Bắc Kạn, Sơn La, Lào Cai...một số homestay có đường giao thông đi vào hiểm trở, nhất là khi di chuyển vào ban đêm, những ngày mưa lớn...
Người dân đang cần hỗ trợ
Theo Nghị định số 46/2012/NĐ-CP và Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay bắt buộc cần có văn bản Cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Ông Bùi Đức Thuận, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua trên địa bàn xã có nhiều homestay mở cửa để kinh doanh. Theo quy định, homestay là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra hoạt động của các homestay cho thấy, phần lớn chủ đầu tư mới chỉ tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh ở điều kiện “cần”, tức là đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn. Còn các điều kiện khác như an toàn thực phẩm, PCCC thì họ chưa quan tâm, thậm chí, chỉ làm để đối phó. “Trên địa bàn xã tuy chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể hay cháy nổ trong các homestay nhưng đây cũng là vấn đề đáng lo ngại”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, phát triển kinh doanh mô hình homestay là một hướng đúng nhưng cần được sự ủng hộ của các cơ quan, sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương.