Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại quốc gia này, nếu hủy hôn đàn ông sẽ được trả lại toàn bộ tiền chu cấp lúc yêu nhau

Một người đàn ông đã chi trả toàn bộ phí chu cấp kết hôn, thậm chí bao gồm cả tiền du học ở Anh cho con gái của vị hôn thê. Tuy nhiên, tới sát ngày cưới, anh đột nhiên bị hủy hôn.

Mới đây, một tòa án ở Trung Quốc đã ra lệnh cho một người phụ nữ phải hoàn trả phần lớn số tiền 870.000 nhân dân tệ (126.000 USD) cho người đàn ông từng là vị hôn phu của cô. 

Theo South China Morning Post, ban đầu, vị hôn phu họ Zhang đã kiện để đòi bạn gái họ Liu (đến từ Thượng Hải) phải trả lại khoảng 1,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 232.000 USD). Đây là khoản chu cấp anh dành cho con gái của Liu trong 2 năm du học Anh.

Nhiều người kiện nhau ra tòa vì tranh chấp tài chính sau khi hủy hôn

Cặp đôi bắt đầu mối quan hệ hẹn hò vào năm 2015 và hai năm sau, họ ký thỏa thuận tài sản trước hôn nhân. Theo thỏa thuận đó, một khi Liu kết hôn với Zhang, Zhang sẽ trả học phí và chi phí tổng cộng 1 triệu nhân dân tệ cho 2 năm học tập ở nước ngoài của con gái cô.

Tại quốc gia này, nếu hủy hôn đàn ông sẽ được trả lại toàn bộ tiền chu cấp lúc yêu nhau - Ảnh 1.

Ở Trung Quốc thường xuyên xuất hiện những vụ kiện tụng gay gắt về mối quan hệ và thường có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài chính. Ảnh: Shutterstock

Thời gian du học cụ thể của con gái Liu không được tiết lộ, song vì đã ký thỏa thuận, Liu đồng ý cưới nên Zhang đã thực hiện việc chu cấp.

Tuy nhiên, vào năm 2018, Liu đột ngột thông báo với Zhang rằng cô không thể kết hôn với anh ta vì lý do gia đình không đồng ý.

Zhang đã bị sốc trước thông tin này. Anh ta cho rằng, Liu đã vi phạm hợp đồng nên yêu cầu cô trả lại tiền chu cấp suốt thời gian qua. Đến thời điểm này, anh ta đã chi trả khoảng 1,6 triệu nhân dân tệ, trong đó có 870.000 nhân dân tệ được xác định bằng một tờ giấy ghi nợ.

Khi Liu từ chối trả lại tiền, Zhang đã đệ đơn kiện vị hôn thê cũ lên tòa án địa phương.

Tại quốc gia này, nếu hủy hôn đàn ông sẽ được trả lại toàn bộ tiền chu cấp lúc yêu nhau - Ảnh 2.

Giống như nhiều thanh niên ở Trung Quốc, con gái của người phụ nữ này đã đi du học. Ảnh: Shutterstock

Khi nhận ra mình đang bị kiện, Liu đã ngỏ ý muốn quay lại, tiếp tục kết hôn với Zhang miễn là anh ta tiếp tục thực hiện thỏa thuận. Tuy nhiên, Zhang không sẵn lòng chấp nhận điều này.

Tại phiên tòa xét xử, tòa án ủng hộ quan điểm của Zhang và yêu cầu Liu trả lại tổng cộng 870.000 nhân dân tệ cho anh ta.

Vụ việc đã tạo ra cuộc thảo luận đáng kể trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Một số người đã để lại bình luận: “Liệu Liu có phải là kẻ lừa đảo không?”

Một người khác nói: “Nếu cả hai kết hôn, chắc chắn Zhang sẽ bị cô ta vắt kiệt”.

Những câu chuyện về tranh chấp hôn nhân và các mối quan hệ tương tự như vậy khá phổ biến ở Trung Quốc. Vào tháng 8 năm ngoái, một tòa án ở tỉnh Phúc Kiến, nằm ở phía đông nam Trung Quốc, cũng đưa ra phán quyết một phụ nữ phải hoàn trả sính lễ 888.000 nhân dân tệ (130.000 USD) cho vị hôn phu cũ, sau khi thỏa thuận chung sống của họ kết thúc.

Trong cùng tháng đó, một tòa án ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đã trao cho một người cha đơn thân 30.000 nhân dân tệ (4.400 USD) tiền bồi thường vì đã một mình nuôi dạy hai đứa con trong 8 năm, sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ.

Vào tháng 12 cùng năm, người đàn ông họ Hou (52 tuổi, đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã tới nhà vợ cũ đòi lại một phần tiền sính lễ, vì hai người ly dị chỉ sau 33 ngày kết hôn. Hou cho biết mình đã phải vay nặng lãi để chi trả cho đám cưới trị giá 510.000 nhân dân tệ (72.000 USD).

Xu hướng không muốn kết hôn của người trẻ tại Trung Quốc

Theo thông tin do hãng thông tấn Yicai trích dẫn số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đưa ra, tỷ lệ kết hôn mới hàng năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ, góp phần vào tỷ lệ sinh vốn đã giảm của nước này.

Nhiều thanh niên Trung Quốc cho biết họ không muốn kết hôn vì khó tìm kiếm việc làm trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ.

Yao Xing, một người độc thân 32 tuổi sống ở thành phố Đan Đông, cho biết: "Tôi không muốn kết hôn một chút nào".

Năm 2021, chỉ có khoảng 11,58 triệu người đăng ký kết hôn lần đầu ở Trung Quốc. Con số này đã giảm 708.000 người so với năm 2020 trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1985, số người kết hôn lần đầu tiên hàng năm đã giảm xuống dưới 12 triệu lượt. Con số này đã đạt đỉnh với 23,8 triệu người vào năm 2013, nhưng kể từ đó đã giảm 51,5%, theo báo cáo.

Sau nhiều thập kỷ hạn chế số con trong mỗi gia đình, người dân quốc gia này hiện đang được khuyến khích sinh thêm con, trong bối cảnh bước vào tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao.

Đồng thời, để “gỡ rối” về tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt, vào năm ngoái, Trung Quốc ban hành quy định các cặp vợ chồng phải trải qua thời gian hòa giải kéo dài 30 ngày trước khi hoàn tất thủ tục chấm dứt hôn nhân. Theo thống kê của chính phủ được công bố mới đây, quy định này dường như đã phát huy tác dụng với sự ghi nhận số hồ sơ ly hôn giảm mạnh vào năm 2021.

Tuy nhiên, trong 3 tháng trước khi quy định "hòa giải 30 ngày" được bắt đầu, người dân đổ xô đi ly hôn. Hơn một triệu hồ sơ đã được thực hiện trong giai đoạn này, tăng 13% so với một năm trước đó.

Điều này cho thấy, nhu cầu ly hôn tại đất nước tỷ dân vẫn rất cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...