Láng giềng giàu có bị hạ dự báo tăng trưởng, chỉ bằng một nửa Việt Nam
Ngân hàng Thế giới đánh giá nền kinh tế nước này tăng trưởng kém hơn dự kiến, do xuất khẩu yếu.
* Kế hoạch phát tiền cho người dân chi tiêu để kích cầu kinh tế đã bị hoãn 2 lần.
Mới đây, CNA (Singapore) dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, giảm so với mức tăng trưởng 2,8% trong dự kiến đưa ra hồi tháng 4, chủ yếu là do xuất khẩu yếu hơn dự kiến và tình hình đầu tư công đầu năm.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng, sự phục hồi được đo lường trong ngành du lịch và sự phục hồi trong xuất khẩu.
Tăng trưởng 1,9% trong năm ngoái của Thái Lan được đánh giá là chậm hơn so với các nước trong khu vực.
Theo tổ chức tài chính này, lượng khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ tăng vọt lên 36,1 triệu trong năm nay, cao hơn nhiều so với 28,2 triệu lượt khách vào năm 2023 và gần đạt đỉnh trước đại dịch.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, tổng lượng khách dự kiến sẽ đạt 41,1 triệu vào năm 2025, vượt qua mức trước đại dịch khi lượng du khách Trung Quốc quay trở lại lớn hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan dự kiến đạt 2,8% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong và ngoài nước mạnh hơn, cũng như chi tiêu của chính phủ tăng. Triển vọng tăng trưởng năm 2025 đã giảm so với dự báo 3% vào tháng 4.
Ngân hàng Thái Lan đã dự báo tăng trưởng kinh tế là 2,6 % trong năm nay và 3% cho năm tới.
"Do những bất ổn này, ngân hàng trung ương nên giữ nguyên lãi suất và chờ đợi sự rõ ràng hơn trước khi triển khai chính sách", chuyên gia kinh tế Kiatipong Ariyapruchya của Ngân hàng Thế giới cho biết tại một sự kiện ở Bangkok.
Ngân hàng trung ương Thái Lan đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 2,5% vào tháng trước. Đợt xem xét lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 21/8.
Chính phủ có kế hoạch triển khai chương trình phát tiền 500 tỷ baht (13,6 tỷ USD) vào quý 4 để hỗ trợ nền kinh tế.
Chương trình này, mà một số chuyên gia gọi là vô trách nhiệm về mặt tài chính do lo ngại về cách thức tài trợ và tác động đến nợ công, đã bị trì hoãn hai lần trong năm nay.
Thứ trưởng Tài chính Paopoom Rojanasakul cho biết với các phóng viên, chính phủ đang có kế hoạch triển khai các biện pháp bổ sung trong năm nay có thể thúc đẩy tăng trưởng lên tới 3% trong năm nay.
Năm 2024: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5%
Mới đây, Việt Nam công bố tăng trưởng 6 tháng đầu năm ở mức 6,42%. Tổng cục Thống kê cho rằng khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.
"Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5", bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia lạc quan nhận định.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Đồng thời, theo Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, cần bảo đảm các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
Hồi cuối tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng gần 6% vào năm 2024, tăng từ 5% của năm trước, nhờ vào sự phục hồi của khu vực xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ và hỗ trợ chính sách.
Các chính sách tiền tệ và tài khóa dự kiến sẽ vẫn hỗ trợ do hoạt động trong nước còn chậm, nhưng cũng cần quản lý các rủi ro giảm giá, bao gồm cả trường hợp áp lực lạm phát gia tăng. Các chính sách cũng cần tiếp tục củng cố sức khỏe của hệ thống tài chính.
"Một làn sóng cải cách mới để thúc đẩy tăng trưởng năng suất là cần thiết để duy trì tăng trưởng cao của Việt Nam trong trung hạn trong bối cảnh có nhiều bất lợi về nhân khẩu học và khí hậu", bản tin của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nêu.