Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viện nghiên cứu Nhật Bản lần đầu phát hiện khả năng "đánh lừa" con người của muỗi: Tự biết khi nào cần dừng hút máu để không bị vật chủ nhận ra

Có thể bạn chưa biết, muỗi có khả năng "tung hỏa mù" đối với vật chủ để trốn thoát kịp thời.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng muỗi sốt vàng da ngừng hút máu nạn nhân khi chúng phát hiện dấu hiệu cho thấy máu của vật chủ đông lại, báo hiệu kết thúc 'thời kỳ an toàn' để đốt vật chủ mà không bị phát hiện, tờ Mainichi đưa tin.

Báo cáo của nhóm nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Riken và Trường Y thuộc Đại học Jikei cho biết phát hiện mới nhất hứa hẹn giúp phát triển các phương pháp mới để ngăn ngừa muỗi đốt.

Trong báo cáo được công bố trên tạp chí trực tuyến Cell Reports chỉ ra rằng, muỗi dừng hút máu nạn nhân khi phát hiện chất fibrinopeptide A được sản sinh trong quá trình đông máu. Đây là yếu tố khiến muỗi nhận biết nguy hiểm và trốn thoát.

Trong các thí nghiệm cho muỗi ăn nhân tạo, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng muỗi tích cực hút hồng cầu chứ không hút huyết tương hoặc huyết thanh, cho thấy huyết tương và huyết thanh có chứa các thành phần khiến muỗi ngừng hút máu.

Viện nghiên cứu Nhật Bản lần đầu phát hiện khả năng

Chisako Sakuma, nhà khoa học cấp cao tại viện nghiên cứu khoa học quốc gia Riken, đang nói về thí nghiệm hút máu của muỗi

Chisako Sakuma, nhà khoa học cấp cao tại Riken, cho biết khám phá này "sẽ dẫn đến việc phát triển các phương pháp giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra".

"Rất có thể muỗi đã áp dụng chiến lược cảm nhận mức độ đông máu bằng cách sử dụng các sản phẩm phụ của quá trình đông máu vốn không cần thiết đối với vật chủ của chúng", báo cáo cho biết.

Nhìn chung muỗi là một trong những loài động vật khó ưa nhất thế giới nhưng chúng lại ẩn chứa khá nhiều điều thú vị. Những nghiên cứu sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về loài động vật này và những cách hay giảm thiểu ngứa khi bị muỗi đốt.

Vòi muỗi có khả năng gây mê

Muỗi cần một vài phút để hoàn toàn lấp đầy cơ thể với máu của bạn, vì vậy khi muỗi cắm vòi xuyên qua da, vòi muỗi tiết ra một chất tương tự như chất gây mê khiến bạn không cảm nhận được sự xuất hiện của chúng. Những khoảnh khắc đầu tiên bạn nhận ra muỗi đốt chính là lúc chúng rút vòi của chúng ra và chuẩn bị "tẩu thoát" với bụng no căng máu.

Muỗi thường bay quanh đầu

Muỗi có khả năng cảm nhận khí CO2 ở khoảng cách 30 m. Do con người thở CO2 qua đường mũi và miệng nên muỗi có xu hướng bay quanh đầu chúng ta. Tiếng kêu vo ve của muỗi bên tai là nguyên nhân khiến chúng ta "tự tát trong khi ngủ" nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Muỗi đực không hút máu người

Trong khi muỗi cái hút máu động vật thì muỗi đực chỉ hút mật hoa để sống.

Virus làm tăng sự khát máu của muỗi

Các nhà khoa học phát hiện virus gây bệnh sốt xuất huyết khiến muỗi trở nên khát máu hơn. Loại virus này kích hoạt các gene làm tăng khả năng cảm nhận mùi của muỗi, biến chúng trở thành những thợ săn giỏi hơn.

Muỗi có thể bị nhiễm ký sinh trùng

Muỗi nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét hút máu nhiều hơn và thường xuyên hơn so với muỗi bình thường. Chúng cũng bị hấp dẫn bởi mùi mồ hôi của con người nên thường bay quanh người đi tất thối.

Nguyên nhân muỗi đốt gây ngứa

Triệu chứng ngứa và sưng khi bị muỗi đốt là một phản ứng của cơ thể với kháng nguyên trong nước bọt của muỗi. Vì khi muỗi đốt chúng bơm một chút nước bọt để "gây tê", nên chúng ta không nhận ra đang bị muỗi đốt. Chất này còn có tác dụng chống đông máu nên muỗi có thể tự do hút máu đến no.

Viện nghiên cứu Nhật Bản lần đầu phát hiện khả năng

Không phải tất cả muỗi đều mang virus West Nile

Trong số hàng nghìn loài muỗi tồn tại trên Trái Đất, chỉ có khoảng 60 loài muỗi mang virus West Nile và truyền bệnh cho con người. Gần 80% số người nhiễm virus này không có bất kỳ triệu chứng nào. 20% bệnh nhân còn lại có các biểu hiện sốt, cảm cúm, mệt mỏi, tiêu chảy, đau khớp, nôn mửa, phát ban. Một số trường hợp nặng dẫn đến co giật, sưng não, viêm màng não, thậm chí tử vong.

Alexander Đại đế chết vì bị muỗi đốt

Alexander Đại đế, vị vua của Macedonia chinh phục thành công đế chế Ba Tư, là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases vào năm 2003, các nhà khoa học Mỹ cho rằng Alexander Đại đế qua đời do mắc bệnh, gây ra bởi muỗi nhiễm virus West Nile.

Muỗi bay khá chậm

Muỗi bay với tốc độ từ 1,6 - 2,4 km/h. Điều này khiến chúng bị xếp vào một trong những loài côn trùng bay chậm nhất thế giới.

Muỗi là động vật nguy hiểm nhất thế giới

Động vật nguy hiểm nhất thế giới không phải là hổ, cá mập hay rắn mà chính là muỗi. Trên thực tế, muỗi là sinh vật giết chết nhiều người nhất trên hành tinh với khả năng truyền các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng và viêm não. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình 45 giây ở châu Phi có một trẻ em bị chết do mắc bệnh sốt rét.

Mặc quần áo tối màu thu hút muỗi hơn

Mắt muỗi chỉ có thể nhìn được sự chuyện động và các sự tương phản tối-sáng, và muỗi luôn bị thu hút ở những nơi tối tăm. Vì vậy, mặc quần áo tối màu sẽ thu hút muỗi "ở bên" bạn hơn.

Theo Mainichi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết