Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các nước EU chia rẽ về cách đoạn tuyệt LNG của Nga

Nếu EU không có cách tiếp cận thống nhất, LNG của Nga có thể bị chuyển hướng sang các nước láng giềng.

Các nước EU chia rẽ về cách đoạn tuyệt LNG của Nga

Cơ sở sản xuất LNG ở Yamal, Nga. Ảnh: Novatek

Một tháng trước khi Nghị viện châu Âu dự kiến ​​bỏ phiếu về việc cho phép mỗi quốc gia sử dụng một công cụ để ngăn chặn dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga, một số quốc gia thành viên đang bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp được đề xuất là không đủ để hủy bỏ các hợp đồng dài hạn. Giới chức Tây Ban Nha cảnh báo nếu không có cách tiếp cận thống nhất, dòng LNG của Nga có thể bị chuyển hướng sang các nước láng giềng.

Trang High North News đưa tin, các cuộc thảo luận đang tiếp tục diễn ra tại Brussels và khắp các quốc gia thành viên EU về các công cụ cần thiết để loại bỏ LNG của Nga.

Cao ủy EU về năng lượng, bà Kadri Simson xác nhận rằng một biện pháp trên toàn EU - vốn được thảo luận lần đầu tiên vào tháng 12.2023 - sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước Nghị viện EU vào tháng 4.

"Công cụ này cung cấp cho mỗi quốc gia thành viên quyền lựa chọn hạn chế hoặc ngừng tiếp cận khí đốt Nga và Belarus trong những điều kiện nhất định. Cuộc bỏ phiếu toàn thể của Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 4" - bà nói.

Cờ EU ở Brussels, Bỉ. Ảnh: EU

Cờ EU ở Brussels, Bỉ. Ảnh: EU

Về lý thuyết, cơ chế mới sẽ cho mỗi quốc gia thành viên quyền lựa chọn cấm nhập khẩu LNG của Nga mà không cần phải có biện pháp trừng phạt trực tiếp.

Tuy nhiên, cơ chế chính xác vẫn chưa rõ ràng. Giới chức của cả Bỉ và Tây Ban Nha đều cảnh báo cần có các quy định chặt chẽ hơn để giải quyết dòng LNG từ Nga vào các nước này.

Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp nổi lên là ba nhà nhập khẩu LNG hàng đầu từ cơ sở Yamal LNG của Novatek ở Nga, mua khoảng 80% sản lượng của nhà máy.

Đặc biệt, nhập khẩu của Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023 mặc dù các quan chức kêu gọi hủy bỏ dần các hợp đồng hiện có và không mở rộng giao hàng thêm. LNG của Nga hiện chiếm 20% nguồn cung khí đốt của Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Riberas bày tỏ lo ngại rằng hành động riêng lẻ của các quốc gia thành viên sẽ dẫn đến việc chuyển hướng LNG của Nga sang các nước láng giềng. Một khi LNG đi vào mạng lưới khí đốt kết nối của châu Âu thì gần như không thể theo dõi được.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng Đức tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga thông qua Bỉ và Hà Lan.

Các quan chức chính phủ ở cả Tây Ban Nha và Bỉ đều không chắc chắn về cách giải quyết các thỏa thuận bao tiêu dài hạn và họ cần có hướng dẫn bổ sung từ EU.

Trường hợp của Bỉ còn phức tạp hơn vì cảng Zeebrugge của nước này đóng vai trò là trung tâm tái xuất khẩu khí đốt lớn của Nga. Nhà cung cấp Fluxys ký hợp đồng 20 năm với Novatek để vận chuyển tới 8 triệu tấn LNG mỗi năm.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho biết vào tháng trước: “Chúng tôi thực sự đang phải đối mặt với những hợp đồng cụ thể đã được ký kết trước chiến sự và chưa biết phải giải quyết thế nào. Chúng tôi không biết có thể tuân thủ những gì được EU đề xuất hay không”.

Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Áo, Hungary và Slovakia, tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu qua đường ống dẫn khí của Nga để đáp ứng tới một nửa nhu cầu khí đốt. Không rõ liệu các quốc gia này có ủng hộ các biện pháp rộng hơn để cấm hoặc loại bỏ dần LNG của Nga trên toàn bộ EU hay không.

Bà Simson cho biết, mục tiêu của EU là nhập khẩu ít khí đốt Nga hơn trong năm 2024, thậm chí ít hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm, LNG của Nga vẫn tiếp tục không suy giảm. Trái ngược với những mùa đông trước, Novatek cho đến nay đã độc quyền vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng đến các kho LNG châu Âu trong mùa đông này.


Nguồn:https://laodong.vn/the-gioi/cac-nuoc-eu-chia-re-ve-cach-doan-tuyet-lng-cua-nga-1313477.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết