Trung Quốc phản đối việc Đức yêu cầu Apple và Google gỡ ứng dụng DeepSeek
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Đức yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ ứng dụng AI DeepSeek vì lo ngại bảo mật dữ liệu.
Ủy viên bảo vệ dữ liệu của Đức Meike Kamp được cho là đã yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc DeepSeek khỏi cửa hàng ứng dụng của họ, với lý do lo ngại về bảo vệ dữ liệu người dùng.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia Trung Quốc, gọi đây là hành vi "thiên vị" và gây trở ngại cho hợp tác công nghệ xuyên biên giới.
Ảnh minh họa: VCG
Theo hãng tin Reuters hôm 27/6, bà Kamp cáo buộc DeepSeek "chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp" và không thể chứng minh rằng dữ liệu của người dùng Đức được bảo vệ theo tiêu chuẩn tương đương với Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng lập luận này là vô căn cứ. "Cũng giống như EU từng cố ngăn các công ty viễn thông Trung Quốc tham gia mạng 5G, giờ họ lại làm điều tương tự với DeepSeek mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Đây rõ ràng là hành vi thiên vị, làm suy yếu tiềm năng hợp tác AI và đổi mới công nghệ ở châu Âu", ông Liu Gang – nhà kinh tế trưởng tại Viện Chiến lược phát triển AI thế hệ mới của Trung Quốc – nhận định.
Trước các cáo buộc và lệnh cấm tại một số quốc gia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Trong cuộc họp báo ngày 6/2, người phát ngôn Guo Jiakun nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.
"Chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập dữ liệu trái pháp luật. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia hay chính trị hóa các vấn đề thương mại và công nghệ", ông nói.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng khẳng định rằng Bắc Kinh đang đi đầu trong việc điều tiết và bảo vệ dữ liệu trong lĩnh vực AI. Theo nhà phân tích viễn thông Ma Jihua, vào tháng 7/2023, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành các quy định tạm thời đầu tiên trên thế giới về quản lý dịch vụ AI tạo sinh, trong đó bao gồm cả yêu cầu cụ thể liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, vào tháng 3 năm nay, Trung Quốc cũng đã công bố một bộ hướng dẫn yêu cầu gắn nhãn nội dung do AI tạo ra hoặc chỉnh sửa. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, theo thông báo chính thức từ CAC.