Cách ba 'ông lớn' báo chí tái cấu trúc: Từ đặt cược vào AI... tới mô hình 'đọc chậm'
Khi Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2025 của Viện Reuters xác nhận rằng thế giới truyền thông đang biến chuyển nhanh chóng, các tổ chức báo chí truyền thống buộc phải tái tạo chính mình để không bị tụt lại.
Từ việc đổ tiền đầu tư vào AI, thử nghiệm đăng ký số, đến chiến lược minh bạch đầy tham vọng, báo chí đang bước vào giai đoạn sống còn trong một hệ sinh thái tin tức ngày càng phân mảnh và bấp bênh.
Reuters: "Cược lớn" vào AI
Reuters hiện là một trong những tổ chức tin tức mạnh tay nhất với AI. Sau khoản đầu tư ban đầu 100 triệu USD vào năm 2022 khi ChatGPT ra mắt, hãng này cam kết chi 200 triệu USD mỗi năm để phát triển công nghệ AI tạo sinh.
Khoản đầu tư này phản ánh niềm tin toàn diện rằng AI sẽ định hình lại cách sản xuất và phân phối tin tức. Theo Jane Barrett, trưởng bộ phận chiến lược AI của Reuters: "Chúng tôi không chờ để bị cuốn theo, mà muốn dẫn đầu làn sóng này".
Hiện mỗi nhân viên tại Reuters đang sử dụng công cụ AI ít nhất 20 lần/tháng. Tuy nhiên, dù giới làm báo tỏ ra cởi mở, phần lớn công chúng vẫn giữ thái độ dè chừng. Báo cáo cho thấy độc giả tin rằng AI khiến tin tức kém minh bạch, kém chính xác, và kém đáng tin cậy hơn.
Barrett thừa nhận Reuters đang triển khai AI "rất thận trọng", đặc biệt là các công cụ hướng tới người dùng cuối, do lo ngại về tính xác thực. Các tính năng như chuyển văn bản thành giọng nói hay tóm tắt có thể hiệu quả ở các thị trường nói tiếng Anh, nhưng không dễ gì áp dụng rộng rãi ở những nơi như Ấn Độ – nơi video và âm thanh đã thống trị thói quen tiêu dùng tin tức.
Ảnh minh họa: Unsplash
The Observer: Chậm mà chắc để tiến xa
Một ví dụ tiêu biểu khác cho đổi mới là The Observer – tờ báo 230 năm tuổi vừa được startup truyền thông Tortoise Media mua lại. Dưới bàn tay của Tortoise, tờ báo này đang xoá bỏ mô hình tin tức "nóng hổi" để chuyển sang cách làm báo "chậm mà chắc", nhấn mạnh vào minh bạch và tương tác với độc giả.
Biên tập viên kỹ thuật số Basia Cummings mô tả chiến lược mới là "điểm đến đọc lần hai" – một nơi để độc giả suy ngẫm hơn là chạy đua theo tin giật gân. "Chúng tôi không thể và cũng không cần cạnh tranh về số lượng với Guardian hay BBC", Cummings nói.
Chiến lược này phản ánh đúng bối cảnh: hiện có tới 40% người dùng toàn cầu thỉnh thoảng hoặc thường xuyên tránh đọc tin tức, tăng mạnh so với 29% vào năm 2017. Gần một nửa người Anh (46%) cũng chia sẻ họ chủ động tránh tin tức, phần lớn vì bị quá tải.
Tortoise theo đuổi mô hình "tòa soạn mở", tổ chức họp báo với độc giả và chia sẻ quy trình làm tin qua podcast điều tra – đặc biệt thu hút giới trẻ và phụ nữ.
Observer cũng dự kiến ra mắt ứng dụng và hệ thống đăng ký vào mùa thu năm nay, nhưng không chỉ dừng ở tin tức. Họ đang học theo New York Times – nơi các nội dung như công thức nấu ăn hay giải đố đóng vai trò quan trọng trong giữ chân thuê bao.
"Có thể người ta không trả tiền để đọc tin, nhưng họ sẽ trả tiền cho một trải nghiệm trọn gói hơn với thương hiệu báo chí mà họ tin tưởng", Cummings nói.
Sky News: Từ truyền hình miễn phí đến tin tức trả tiền
Trong khi lượng khán giả truyền hình sụt giảm mạnh (Anh giảm 31 điểm phần trăm, Mỹ giảm 22 điểm trong vòng 12 năm), Sky News đang thử nghiệm mô hình trả phí. Sau khi Reuters ra mắt tường phí với giá 1 USD/tuần và thu hút khoảng 100.000 thuê bao, Sky cũng bắt đầu tính phí với các chương trình video và podcast độc quyền.
Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn: tại 20 quốc gia nơi báo chí đang đẩy mạnh đăng ký kỹ thuật số, chỉ 18% người dùng trả tiền cho tin tức trong năm qua. Tại Anh, con số này chỉ là 10%.
Dù vậy, Chủ tịch điều hành Sky News, David Rhodes, không theo đuổi một mô hình thu phí cứng nhắc. Ông xem bản tin điện tử như một "cửa ngõ" để tiếp cận người dùng tiềm năng, có thể mở rộng sang các dịch vụ trả phí khác.
Theo Rhodes, người tiêu dùng từ trước đến nay vẫn luôn trả tiền cho tin tức – chỉ là theo những cách gián tiếp như quảng cáo, tài trợ, hay phí cấp phép. Vấn đề nằm ở việc tìm ra một mô hình thu phí gián tiếp phù hợp với thời đại số, chứ không phải ép buộc người dùng phải rút ví ngay lập tức.