Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Kỳ vọng VEAM sẽ tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí
Tại hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh của VEAM, Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng VEAM sẽ trở lại vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí.
Sáng 26/12, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024, kế hoạch năm 2025.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công Thương; cùng Ban lãnh đạo VEAM, các phòng, ban chức năng của tổng công ty, đại diện vốn tại các công ty có vốn góp của VEAM…
Vượt qua khó khăn, VEAM đạt lợi nhuận trên 6.200 tỷ đồng năm 2024
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT VEAM - cho biết: Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực, có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vẫn tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn do bất ổn chính trị, xung đột quân sự trên thế giới khiến tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, dịch vụ vận tải… biến động mạnh, rất khó dự báo về khả năng và thời điểm phục hồi. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi)… Trong bối cảnh đó, nhiều công ty có vốn góp của VEAM cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp do cơn bão dẫn đến như nhà xưởng, thiết bị hư hại, giảm đơn hàng từ các đối tác…
Ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM - phát biểu tại hội nghị |
“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị có vốn góp của VEAM đã gặp không ít khó khăn dẫn đến, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết (không tính các công ty liên doanh) ở mức giảm nhẹ so với năm 2023. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận vẫn vượt mục tiêu kế hoạch năm chủ yếu nhờ vào hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của công ty mẹ và việc tiết giảm chi phí”- ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.
Năm 2024, kết quả hoạt động sản xuất và tiêu thụ chính năm 2024 của Công ty mẹ VEAM đều đạt rất thấp so với kế hoạch. Doanh thu tài chính, lợi nhuận sau thuế ước thực hiện năm 2024 tuy giảm lần lượt 18% và 8% so với năm 2023 nhưng vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 269,7 tỷ đồng, doanh thu tài chính ước đạt 6.511,9 tỷ đồng bằng 111% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.244,7 bằng 114% so với kế hoạch năm.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức, cơ hội đòi hỏi Ban lãnh đạo VEAM cần chủ động, đoàn kết thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư đã nói”- ông Ngô Khải Hoàn cho hay.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Nhà máy ô tô Veam (VM) - cho biết: Năm 2024, VM thực sự gặp rất nhiều khó khăn cả trong việc sản xuất mới lẫn tiêu thụ xe tồn kho. Trong năm 2025, công tác tiêu thụ xe tồn chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn và phải cần thêm nhiều thời gian. VM phải khẩn trương nghiên cứu đề xuất các phương án khả thi để tiêu thụ toàn bộ lô xe tồn kho. Về sản xuất sản phẩm mới, VM sẽ tập trung nguồn lực phát triển các dòng xe mới bám sát kế hoạch đưa xe ra thị trường, đảm bảo tiến độ và hiệu quả về doanh thu - lợi nhuận...
Cũng như các doanh nghiệp khác, năm 2024 Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) cũng đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực phụ tùng xe máy cùng với chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn đang khiến nhu cầu xe điện tăng nhanh. Honda Việt Nam hiện là khách hàng lớn của FUTU1 đã giảm sản lượng hàng linh kiện xe máy trong khi việc tham gia sản xuất chi tiết cho xe điện còn hạn chế dẫn là những khó khăn hiện hữu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh nhưng FUTU1 vẫn trụ vững và là điểm sáng trong số các công ty con của VEAM.
VEAM khen thưởng các đơn vị đạt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt trong năm 2024 |
Tuy nhiên. năm 2024, các chỉ tiêu chính của FUTU1 về doanh thu ước đạt 914 tỷ đồng bằng 100,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 99% so với mục tiêu kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 19% so với kế hoạch năm do FUTU1 phát triển thêm nhóm hàng khớp nối sang Công ty EKD, tay biên Musashi xuất khẩu Brasil.
Ông Trần Đức Hưng - Giám đốc FUTU1 - cho hay: Các doanh nghiệp hiện nay chịu rất nhiều sức ép từ thị trường. Đối với FUTU1, sản phẩm phải cạnh tranh về giá và chất lượng. Do vậy, phải cải tiến đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả. Cùng với đó là yêu cầu giảm dấu vết carbon trong sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số thị trường khác, nhất là FUTU1 với khoảng 80% sản phẩm phục vụ sản xuất xe máy, trong bối cảnh hiện nay, xu thế chuyển từ xe xăng sang xe điện, khiến Futu1 đối diện với nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, FUTU1 mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, dẫn dắt từ Tổng công ty và cơ quan quản lý…
Kỳ vọng VEAM sẽ trở lại vị thế “con chim đầu đàn” trong lĩnh vực cơ khí
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã đánh giá cao tập thể người lao động tổng công ty đã vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị |
“Trong bối cảnh đó, trong năm 2024, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của VEAM vẫn còn nhiều khó khăn. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chính của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết không bao gồm các công ty liên doanh giảm nhẹ so với năm 2023, tuy nhiên, vẫn vượt kế hoạch năm 2024” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, năm 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lường, trong bối cảnh đó với sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực điều hành của Chính phủ với những chính sách phù hợp, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 - 7%. Kết quả này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước Covid-19.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu thắng lợi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị VEAM cần thực hiện những giải pháp như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động và công tác theo định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 mà VEAM đã xây dựng.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Thứ hai, triển khai các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, giải quyết tồn tại, vướng mắc từ những năm trước, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, sai sót của VEAM từ những giai đoạn trước để lại...
Thứ ba, hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của VEAM.
Thứ năm, chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 gắn liền với đề án tái cơ cấu VEAM.
Thứ sáu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chủ động, tích cực thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên, tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2025 và những năm tiếp theo, với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng nhiều chủ trương, Nghị quyết của Trung ương… do đó, VEAM cần nghiên cứu những sản phẩm để tham gia vào các dự án, chuỗi cung ứng, thực hiện các chủ trương, nghị quyết trên… Qua đó, từng bước đưa Tổng công ty trở lại “con chim đầu đàn” trong sản xuất công nghiệp cơ khí.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Ngô Khải Hoàn khẳng định, Ban lãnh đạo VEAM sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, các ý kiến từ các đơn vị thành viên ngay sau hội nghị sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội cổ đông, chủ sở hữu Bộ Công Thương giao.