|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 dấu ấn nổi bật của VPI trong năm 2024

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đóng vai trò quan trọng trong tư vấn chiến lược, nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trong năm 2024, VPI đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ do Petrovietnam giao phó; trong đó có nhiều kết quả nổi bật.

1. Tái cấu trúc để phát triển bền vững

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Petrovietnam, VPI đã liên tục tái cấu trúc với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền và trách nhiệm, nâng cao văn hóa thực thi công việc và tối ưu hóa quy trình. Đặc biệt, VPI tập trung xây dựng và phát triển lĩnh vực “lõi”, triển khai các nghiên cứu có giá trị lớn, mang tính đột phá, phù hợp với chiến lược, định hướng của Petrovietnam. Mô hình này tập trung vào việc tối ưu hóa nguồn lực, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về nâng cao tính tự chủ và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

VPI năm 2024

Một trong những mô hình phát triển của VPI trong tương lai.

2. Nghiên cứu tối ưu lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác năng lượng truyền thống

Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, VPI triển khai nghiên cứu, đánh giá cập nhật tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích Cenozoic; nghiên cứu phân cấp và tính toán trữ lượng theo hướng dẫn của Hiệp hội Kỹ sư dầu khí quốc tế (SPE), để định hướng quản lý, đầu tư và phát triển mỏ hiệu quả.

Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, VPI đã hỗ trợ Petrovietnam và nhà điều hành quản lý khai thác các mỏ dầu khí trong và ngoài nước; phân chia sản phẩm cho các giếng khai thác đa tầng; nghiên cứu đề xuất phương pháp tăng cường thu hồi dầu tối ưu cho mỏ Đại Hùng; nghiên cứu chế tạo hệ hóa phẩm EOR cho đối tượng Oligocen mỏ Bạch Hổ với nhiệt độ lên đến 140 độ C; phát triển sản phẩm AI/machine learning hỗ trợ quản lý, vận hành và tối ưu khai thác...

VPI đã nâng cao chất lượng dịch vụ phân tích mẫu giếng khoan, đặc biệt là hỗ trợ JX Nippon thực hiện thỏa thuận nghiên cứu chung về thu gom và lưu trữ carbon giai đoạn 2.

3. Thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng

Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, VPI đã triển khai các nghiên cứu về hydrogen, tham gia soạn thảo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024.

Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, VPI đã đánh giá quy hoạch tiềm năng và lựa chọn vị trí ưu tiên, phân tích đánh giá chuỗi cung ứng, phân tích đánh giá sơ bộ lựa chọn địa điểm, lựa chọn phương án tối ưu tuyến cáp, xây dựng mô hình nền ban đầu, đánh giá các rủi ro, chiến lược làm chủ công nghệ và đánh giá tiềm năng cảng biển phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi. VPI hợp tác với đối tác GICON (Đức) đánh giá khả năng phát triển điện gió ngoài khơi tại khu vực cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh nhằm thay thế nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại giàn khai thác và sản xuất hydrogen xanh, vận chuyển vào bờ thông qua hệ thống đường ống khí hiện hữu để cung cấp nhiên/nguyên liệu cho các đơn vị sử dụng điện và đạm.

VPI đã hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) phát triển công nghệ mới chuyển hóa hiệu quả các nguồn khí giàu CO2 thành các sản phẩm nhiên liệu và hóa chất sạch trên cơ sở phát triển loại xúc tác mới (phát triển ở quy mô pilot với công suất 1.000 ml/ngày); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, công nghệ và cơ sở hạ tầng về tiềm năng phát triển các trung tâm thu hồi, lưu giữ CO2 (CCS) và nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) của Việt Nam.

VPI năm 2024

VPI là đơn vị đi đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất, thương mại hydrogen (Ảnh minh họa)

4. Thích ứng với xu hướng chuyển đổi số

Trong năm 2024, VPI tập trung nghiên cứu ứng dụng AI và các giải pháp mã nguồn mở; phát triển 5 loại sản phẩm số là dữ liệu số, báo cáo số, phân tích số, mảnh ghép số và ứng dụng số, trọng tâm là xây dựng cấu trúc và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. VPI đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ của các lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu (800 công nghệ), hydrogen (100 công nghệ), CCUS (100 công nghệ), cũng như các cải tiến, giải pháp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, VPI xây dựng phần mềm tính toán tự động về tổng mức đầu tư, tiêu hao, hiệu quả kinh tế (IRR, NPV, LCOH, LCOE,...); xây dựng dữ liệu về các trung tâm năng lượng quốc gia ở các khu vực; cơ sở dữ liệu về thị trường (cung, cầu, giá...) của các sản phẩm khí và lọc hóa dầu, đặc biệt chú trọng vào xác định các sản phẩm mới, bền vững để đánh giá khả năng áp dụng cho Petrovietnam. Ứng dụng AI và machine learning để dự báo xu hướng sản phẩm và nhu cầu thị trường, phục vụ cho việc hoạch định các sản phẩm mới và dự án mới. Việc tối ưu cấu trúc cơ sở dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu và tự động hóa báo cáo bằng AI giúp nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm thời gian, chi phí và thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường.

5. Nghiên cứu nâng cao giá trị chuỗi liên kết của Petrovietnam

VPI đã chủ động nghiên cứu nâng cao giá trị các chuỗi liên kết thông qua việc xây dựng danh mục các sản phẩm dịch vụ chủ lực của Petrovietnam đến năm 2030; xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần Kết luận 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị. Song song với việc nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm hiện có, VPI tập trung nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị mới như hydrogen, ammonia đến năm 2050.

VPI năm 2024

VPI luôn đồng hành cùng các đơn vị trong Tập đoàn nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao giá trị các sản phẩm trên thị trường (Ảnh minh họa)

6. Thương mại hóa và chuyển giao công nghệ

Trong năm 2024, VPI đã phát triển phương pháp địa chấn - thạch học với sự hỗ trợ của công nghệ AI/machine learning, giúp tính toán nghịch đảo địa chấn trong thời gian ngắn, giảm sự phụ thuộc vào mô hình tần thấp, ngay cả khi có ít hoặc không có thông tin giếng khoan. Giải pháp này được áp dụng để tính toán nghịch đảo địa chấn tại Lô 09-2/09, bể Cửu Long.

UMiT, thành viên trong hệ sinh thái sáng tạo của VPI đã phối hợp với PVMR/PVPaint nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thương mại sơn nano graphene, cung cấp cho khách hàng vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, UMiT và PVOIL cung cấp cho thị trường 200.000 lít dầu nhờn nano graphene, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm dầu nhờn động cơ của PVOIL.

Cũng trong năm 2024, VPI đã cung cấp cho thị trường 432,4 tấn anode hy sinh hợp kim nhôm, bảo vệ chống ăn mòn chân đế giàn CPP-KNT và WHP-KTN mỏ Kình Ngư Trắng và Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09), chân đế và riser giàn BK-23 (Lô 09-1), bể Cửu Long...

7. Đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế

VPI được cấp 1 bằng độc quyền về “Quy trình sản xuất sơn phủ gốc epoxy chống ăn mòn chứa graphen biến tính và sơn phủ gốc epoxy chống ăn mòn” và được cấp 6 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả: “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu địa vật lý giếng khoan”; “Phần mềm nền tảng quản lý, biểu diễn thông tin dữ liệu lĩnh vực hydrogen sạch”; “Phần mềm dự báo giá xăng dầu và mức trích lập chi sử dụng quỹ bình ổn giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam”; “Phần mềm quy hoạch thực nghiệm DOE”; “Phần mềm minh giải tự động thạch học và đặc tính vỉa chứa từ tài liệu địa vật lý giếng khoan”; “Phần mềm tối ưu chế độ làm việc giếng khai thác dầu có hỗ trợ khí nâng - gaslift”.

8. Hợp tác quốc tế

Trong năm 2024, VPI đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch tổ chức Hội thảo “Các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm tại Việt Nam”, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu cấp phép, khảo sát đáy biển, đánh giá tác động môi trường, đến thiết kế móng và lựa chọn turbine, phát triển các dự án và cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, VPI đã củng cố hợp tác chiến lược với Gazprom thông qua khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ khai thác, xử lý/chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối CNG, LNG. VPI và KBR đã đề xuất các giải pháp công nghệ CCUS, hydrogen, chuyển đổi số và phát triển nhiên liệu bền vững. VPI đã hợp tác với Core Laboratories nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ CCUS, giảm phát thải khí nhà kính...

9. Giảm phát thải, phát triển bền vững

VPI đã xây dựng Bộ chỉ số phát triển bền vững, cập nhật Kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu của Petrovietnam, đề xuất lộ trình giảm phát thải hướng đến Net Zero vào năm 2050, cập nhật định hướng về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải và bù trừ carbon; tư vấn đào tạo xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho các đơn vị...

10. An sinh xã hội

Trong năm 2024, VPI tổ chức thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, quyên góp ủng hỗ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3, ổn định cuộc sống. VPI tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo thực địa và an sinh xã hội “Áo ấm vùng cao” trong năm 2024, trao tặng 815 bộ áo ấm, 50 suất học bổng, tài trợ trang thiết bị đồ dùng học tập cho các em học sinh tại các điểm trường xã biên giới Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; cấp dưỡng đỡ đầu cho 1 em học sinh mồ côi 2 tuổi tại Trường Mầm Non xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu...

VPI năm 2024

VPI tổ chức thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội trong năm 2024.

Tùng Dương


Tác giả: 1. Tái cấu trúc để phát triển bền vững
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết