PGS.TS Trần Quang Diệu: Báo chí thời AI cần làm mới tư duy để thích ứng
Chuyển đổi số là công cụ then chốt giúp báo chí hiện thực hóa định hướng, mục tiêu và sứ mệnh đồng hành cùng kinh tế tư nhân mà Nghị quyết 68 đặt ra.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), báo chí đang đối mặt với một giai đoạn chuyển mình sâu sắc, không chỉ về công nghệ mà còn ở cấp độ tư duy, hệ giá trị và vai trò xã hội. Trong cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Công Thương đã ghi nhận nhiều phân tích sâu sắc và thực tiễn từ một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và chính sách.
PGS. TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.T
Báo chí trong không gian nhận thức mới
Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương. Ông có thể giới thiệu đôi nét về Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số - Học viện Chính trị Quốc gia?
PGS.TS Trần Quang Diệu: Trung tâm là đơn vị cấp vụ của Học viện Chính trị Quốc gia, được thành lập trên cơ sở đổi tên và mở rộng hoạt động từ Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin trước đây. Dù mới nhưng đơn vị được giao các nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi số hệ thống đào tạo lý luận chính trị toàn quốc gồm nhiều học viện, nhà trường và các cơ sở vùng. Trung tâm chịu trách nhiệm tổng thể từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, quản trị đào tạo trực tuyến, truyền thông đa nền tảng, hỗ trợ nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt ra nhiều mục tiêu với nhiều kỳ vọng. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất mà các cơ quan báo chí gặp phải?
PGS.TS Trần Quang Diệu: Báo chí Việt Nam đã khởi động nhanh chương trình chuyển đổi số từ Luật Báo chí 2016, Quy hoạch báo chí, đến Quyết định chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, rất nhiều cơ quan báo vẫn loay hoay vì thiếu nguồn lực đồng bộ và hành lang pháp lý đủ lớn. Không có một khung quy chuẩn thống nhất cho cả nền báo chí khiến mỗi tờ báo phải tự vận hành, dẫn đến lãng phí nguồn lực, hiệu quả thấp, khó nhân rộng mô hình. Cơ quan quản lý và Hội Nhà báo cần đóng vai trò kết nối không chỉ quy định mà phối hợp để hướng dẫn chung cho mọi tòa soạn, giúp cả hệ thống đi cùng nhau.
Xây dựng “hệ sinh thái mở” cho báo chí số
Ông có thể phân tích sâu hơn về yếu tố hệ sinh thái mở, chia sẻ trong báo chí?
PGS.TS Trần Quang Diệu: Thực chất chuyển đổi số là chia sẻ, chia sẻ công nghệ, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ quy trình vận hành. Báo chí không nên giữ dữ liệu riêng như “tài sản độc quyền” mà nên chia sẻ có kiểm soát để cùng học hỏi, nâng cao chất lượng chung. Ví dụ, nếu Báo Công Thương có hệ thống dữ liệu chuyên sâu về ngành Công Thương, hãy cung cấp dữ liệu tóm lược cho báo bạn nhưng cần giữ quyền phát triển nội dung chuyên sâu riêng.
Chúng ta cũng cần ngay những quy chuẩn mềm hướng dẫn chuẩn về quản trị tòa soạn số, mô hình sản xuất nội dung, tiêu chuẩn xuất bản đa phương tiện. Khi có quy tắc chung, dù mỗi cơ quan vẫn giữ dấu ấn riêng nhưng chất lượng và độ tin cậy sẽ được nâng lên toàn ngành.
PGS.TS Trần Quang Diệu trò chuyện cùng phóng viên Báo Công Thương. Ảnh: T.T
Trong bối cảnh AI và dữ liệu lớn, tư duy làm báo cần được tái cấu trúc như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Quang Diệu: Chuyển đổi số không chỉ là xoay quanh công nghệ, nó là tái định hình tư duy làm báo. Báo chí truyền thống đặt trọng tâm vào phản ánh sự kiện. Nhưng báo chí thời đại số cần tập trung vào tư duy “kể chuyện - phân tích - dự báo”. Một bài viết không chỉ phản ánh hiện tại mà ngược dòng quá khứ để hiểu nguyên nhân và dự báo tương lai.
AI và dữ liệu lớn chính là công cụ hỗ trợ người làm báo thực hiện điều này. Từ việc tổng hợp lớn, mã hóa, phân tích đến hình thành mô hình trả lời chuyên sâu khi nhà báo sử dụng thành thạo công nghệ này chất lượng nội dung sẽ nhảy vọt.
Ông có nhắc đến “không gian nhận thức mới” với AI. Vậy theo ông, báo chí cần hành trình gì để thích nghi đúng hướng?
PGS.TS Trần Quang Diệu: Theo tôi, AI giờ không chỉ giúp phân tích dữ liệu mà còn bắt đầu có khả năng suy luận, thậm chí mô phỏng cảm xúc. Một số mô hình như ChatGPT, Gemini hiện đã đạt IQ tương đương và trong vài năm nữa hoàn toàn có thể vượt ngưỡng thiên tài.
Do đó, người làm báo cần dấn thân vào không gian mới này để nắm vững công nghệ, dữ liệu, phân tích và quản lý AI như đồng nghiệp. Họ phải hiểu hệ thống AI, quản trị quyền, xác thực nguồn chứ không chỉ sử dụng công cụ đơn thuần. Đây là cách để báo chí hoạch định lại vị thế của mình trong tương lai và điều khiển dòng chảy thông tin thay vì bị nó chi phối.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS Trần Quang Diệu là một học giả công nghệ - truyền thông, có tầm nhìn sâu sắc về sự chuyển đổi cần thiết trong báo chí hiện nay. Ông không chỉ nhắc đến công nghệ mà còn kêu gọi một cuộc cách mạng tư duy, từ công nghệ đến quản trị, kể chuyện và hợp tác để giúp báo chí không bị tụt hậu trong không gian nhận thức mới do AI tạo ra. Ông đang là người tiên phong thúc đẩy hệ sinh thái số cho báo chí, góp phần định hình hình ảnh báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.