Doanh nghiệp tiêu dùng bứt phá cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên của Chính Phủ kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho GDP bình quân đầu người đạt hơn 5.000 USD, đồng thời kéo theo sự phục hồi của thị trường tiêu dùng Việt Nam. Là doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng, triển vọng kết quả kinh doanh của Masan Consumer là đầy hứa hẹn trong năm nay.
5 thương hiệu mạnh của Masan
Kích cầu tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội trong tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025.
Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay từ 8% trở lên. Mức này cao hơn kế hoạch Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cuối năm ngoái khoảng 1-1,5% và 1 điểm phần trăm so với thực hiện 2024 (7,09%). Quy mô GDP 2025 đạt trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người hơn 5.000 USD nếu tăng trưởng kinh tế năm nay trên 8% như đề xuất điều chỉnh của Chính phủ.
Nước mắm Chinsu của Masan Consumer
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên. Mức tăng trưởng 2 con số này của tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng hé lộ bức tranh sáng màu của thị trường tiêu dùng khi nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Theo đó, những doanh nghiệp đầu ngành hàng tiêu dùng như Masan Consumer sẽ gặt hái được những kết quả tích cực khi nền kinh tế bứt phá, người tiêu dùng tự tin hơn về triển vọng thu nhập và sẵn sàng chi nhiều hơn cho các nhu cầu hàng ngày.
Năm 2025, Masan Consumer đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng doanh thu hai chữ số, với kế hoạch đạt từ 33.500 đến 35.500 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo biên lợi nhuận ở mức cao.
Ở góc độ người dân, mỗi người đều có thể đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng của đất nước, đặc biệt ở khía cạnh tiêu dùng. Theo đó, khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, doanh thu của các công ty tiêu dùng, bán lẻ sẽ tăng lên, giúp các doanh nghiệp này có thêm nguồn tài chính để đầu tư vào việc mở rộng quy mô, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phải mở rộng sản xuất, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, từ đó tạo ra cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Khi các doanh nghiệp phát triển, họ sẽ cần thuê thêm lao động, điều này cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khách hàng mua sắm tại Winmart
Tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP. Việc kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt 8% trong năm 2025, làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong các năm tới của nền kinh tế nước ta.
Theo đó, để kích cầu tiêu dùng, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, theo dự thảo, sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định nêu trên từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Các sản phẩm của Masan Consumer
Việc giảm thuế VAT có thể kích thích không chỉ tiêu dùng trực tiếp mà còn các ngành dịch vụ, bán lẻ, và sản xuất. Doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và gia tăng sản xuất, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế. Là doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng, triển vọng kết quả kinh doanh của Masan Consumer là đầy hứa hẹn trong năm nay. Doanh nghiệp này mới đây cũng công bố kế hoạch năm 2025 với nhiều triển vọng tích cực.
Masan Consumer muốn tăng trưởng hai con số trong năm 2025
Với vị thế hàng đầu ngành hàng tiêu dùng, Masan Consumer hiện đang sở hữu 5 “power brands” (Thương hiệu mạnh), mỗi thương hiệu có doanh thu hàng năm khoảng hơn 100 triệu USD với “độ phủ” lớn. Đó là những nhãn hàng đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam như CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247, chiếm 80% doanh thu của MCH tại thị trường trong nước trong 7 năm qua.
Thịt ủ mát chuẩn Âu của MEATDeli được sản xuất tại tổ hợp nhà máy hiện đại
Bên cạnh đó, với mối quan hệ mật thiết với 313.000 đối tác bán lẻ truyền thống, 6.700 điểm bán lẻ hiện đại, Masan Consumer đã thâm nhập gần như mọi ngóc ngách của thị trường Việt Nam, phục vụ 98% hộ gia đình Việt. Năm 2024 khép lại với những thành công nổi bật của Masan Consumer, công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan. Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.897 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ, đạt mức 46,6%, nhờ vào cơ cấu sản phẩm cao cấp hóa và tối ưu danh mục mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Đáng chú ý, doanh thu từ thị trường quốc tế tăng trưởng tới 30,8%, cho thấy sự hiệu quả rõ rệt của chiến lược Go Global, đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
Theo J.P Morgan, Việt Nam đang đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng sôi động và đáng chú ý nhất trong khu vực châu Á. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM.
Khách hàng mua sắm tại Winmart
Theo đó, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tầng lớp trung lưu được mở rộng, tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ năm 2010, JPMorgan cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong tương lai. Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên tương ứng với mức GDP bình quân đầu người đạt hơn 5.000 USD của Chính phủ sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho thị trường tiêu dùng phục hồi trong năm nay, kéo theo là kết quả kinh doanh tích cực của các công ty tiêu dùng như Masan Consumer.
Năm 2025, Masan Consumer đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng doanh thu hai chữ số, với kế hoạch đạt từ 33.500 đến 35.500 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo biên lợi nhuận ở mức cao.