Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia dự báo về kênh đầu tư hút mạnh tiền trong thời gian tới

Giá vàng đang giảm, thị trường bất động sản dần phục hồi, chứng khoán khởi sắc, tiền gửi tiết kiệm bắt đầu tăng. Đâu sẽ là kênh đầu tư hút dòng tiền mạnh trong thời gian tới?

Nhận định về diễn biến của các kênh đầu tư trong thời gian tới về sự dịch chuyển của dòng tiền, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục bán vàng cho người dân với mức giá thấp. Theo dự báo của ông Hiển, giá vàng SJC trong nước có thể về mức 75 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng giảm, đây sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Trong trường hợp thị trường bất động sản và chứng khoán phục hồi, dòng tiền sẽ chảy từ vàng sang những kênh này.

Tuy nhiên, hiện tại lãi suất gửi tiết kiệm đang tăng dần trở lại dù mức tăng không cao nhưng lại là kênh đầu tư an toàn. Trong khi nhà đầu tư cá nhân vẫn còn quan sát và chưa tin tưởng vào thị trường bất động sản sẽ tăng trong năm nay; còn kênh đầu tư chứng khoán thì khó thu hút nguồn vốn lớn. Thế nên, ông Hiển dự báo tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền tốt.

Trong tham luận tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề "Ứng biến trong vạn biến", TS. Cấn Văn Lực cũng có chia sẻ xoay quanh một số kênh đầu tư hiện nay. Ông dự báo, về tỷ giá, tiền đồng Việt Nam sẽ tăng giá trở lại trong năm nay. Tính từ đầu năm đến hiện tại, tiền đồng đã mất giá 4,65%. Trong bức tranh kinh tế phục hồi, tiền đồng sẽ mất giá khoảng 3-4% trong năm 2024.

Riêng với chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực dẫn ra một số con số đáng chú ý. Cụ thể trong năm 2023, thị trường chứng khoán hồi phục tăng hơn 12%. Nhưng từ đầu năm tới nay, chứng khoán đã tăng tới gần 12%, tương đương với cả năm ngoái. Giá cố phiểu của các ngành nghề từ đầu năm tới nay đều cơ bản xanh gần hết. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng tăng khoảng 15%. Cổ phiếu chứng khoán tăng 14%. Riêng đối với cổ phiếu bất động sản âm 2 năm qua, đặc biệt năm 2023, cổ phiếu này âm 38% thì đến năm 2024 đã dương trở lại. Hết 5 tháng, cổ phiếu bất động sản tăng 1,54%.

Theo dự báo của vị chuyên gia này, thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm đáng kể. Thị trường chứng khoán cũng đang tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.

Chuyên gia dự báo thêm, thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính – ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này đưa ra một số rủi ro tác động đến các kênh đầu tư như thách thức như du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít; sản xuất công nghiệp phục hồi từ tháng 5/2023, tuy nhiên chưa vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm; thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….) còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…

Từ các phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý FOMO, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ "chuyên môn" của các trung gian tài chính khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...