Kỳ vọng bùng nổ hợp tác đầu tư Việt - Mỹ
Mỹ đang xem xét nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, mới nhất là ngày 8.5, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về vấn đề này. Việc nâng cấp sẽ phù hợp với mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là Việt Nam thành điểm đến “friend -shoring” trong nỗ lực của Mỹ định tuyến lại chuỗi cung ứng tới các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kinh tế thị trường
Theo trang Vietnam Briefing, nếu việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận, điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt thuế cao (thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp) đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ hoàn thành việc xem xét vào cuối tháng 7 năm nay.
Trọng tâm của quá trình xem xét là Việt Nam đã chuyển đổi đầy đủ sang nền kinh tế thị trường hay chưa. Những người ủng hộ cho rằng, Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí do Bộ Thương mại Mỹ đề ra, nhấn mạnh những bước tiến của Việt Nam trong các lĩnh vực như khả năng chuyển đổi tiền tệ, quyền lao động và cởi mở với đầu tư nước ngoài.
Các công ty như gã khổng lồ Samsung Electronics của Hàn Quốc, một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một đối tác ổn định và đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những cải cách theo định hướng thị trường của Việt Nam cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, các tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm Intel, Cargill, Nike, AES, Murphy Oil, First Solar, Boeing và Apple, đã mở rộng đáng kể đầu tư vào Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các bản thông tin mà Việt Nam gửi đi trong yêu cầu xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường có đầy đủ lập luận chứng minh nền kinh tế Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường theo pháp luật Mỹ. Thực tế ngay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường (đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ). Đến nay, Việt Nam và Mỹ cũng liên tục tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Mỹ cập nhật về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam.
Chiều 9.5, khi trả lời báo giới về quan điểm của Việt Nam về việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.
Đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra, cho tới nay có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản. Việt Nam cũng tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Mang tới động lực địa chính trị rộng hơn cho khu vực
Việt Nam nằm trong số 12 nước được xác định là nền kinh tế phi thị trường phải áp dụng luật chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Do đó, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó những cải cách theo định hướng thị trường thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Mỹ tiếp tục bùng nổ trong các năm qua và những cải cách cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh cũng mang lại triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp Mỹ.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam đã tăng lên 3,5 tỉ USD vào năm 2022, tăng 26,8% so với năm trước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỉ USD.
Qua phân tích của ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá. Khi được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong các vụ phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Ở tầm khu vực, các phân tích cho thấy, nếu Mỹ quyết định thay đổi tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, sẽ có những tác động đáng kể đến quan hệ thương mại và động lực địa chính trị rộng hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhiều thuận lợi cho xuất nhập khẩu, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Mỹ xem xét nâng cấp Việt Nam lên quy chế nền kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng và tạo ra nhiều cơ hội trong hợp tác đầu tư, thương mại với nhiều quốc gia khác. Những hạn chế về định lượng, mức thuế, giám sát về tài trợ của Nhà nước và giám sát về hoạt động giá cả sẽ được thay đổi. Đặc biệt, đối với hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được mở rộng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với hàng hóa có có tính chất công nghệ cao. Việt Nam sẽ được ứng xử như các quốc gia có nền kinh tế thị trường.
"Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới từ rất lâu nhưng thực chất các nước vẫn xếp Việt Nam vào nhóm không phải nền kinh tế thị trường nên quy định về thuế và quá trình kiểm duyệt hàng hóa gắt gao. Khi được công nhận thì việc xuất nhập khẩu sẽ có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện để nước ta có thể tăng trưởng và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, dẫn đến năng lực của nền sản xuất và chất lượng của hàng hóa xuất khẩu cũng được nâng cao.
Để được công nhận là nước kinh tế thị trường, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thể chế pháp lý để quốc tế thấy được nước ta luôn tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động vươn lên. Nhà nước chỉ đưa ra khuôn khổ để các doanh nghiệp thực hiện, còn các doanh nghiệp phải là người chủ động, tích cực, linh hoạt trong việc thực thi kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong phạm vi khuôn khổ của luật pháp" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo TS Cấn Văn Lực, Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam sẽ giúp nước ta xóa bỏ nhiều trở ngại, rào cản và có nhiều thuận lợi trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu. Giả sử nếu có xảy ra trường hợp chống bán phá giá thì cũng sẽ bị áp mức thuế thấp hơn. Hoạt động thương mại và đầu tư của 2 nước sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Tuyết Lan