Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội thúc đẩy hợp tác Trung - Nhật - Hàn

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là cơ hội để giải quyết căng thẳng và thúc đẩy hợp tác giữa ba cường quốc Đông Bắc Á.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác Trung - Nhật - Hàn

Phủ Tổng thống Cheong Wa Dae ở Seoul, Hàn Quốc, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn ngày 27.5.2024. Ảnh: Xinhua

Ngày 27.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp nhau tại Seoul, Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên đầu tiên kể từ năm 2019. Hội nghị có thể không kết thúc với nhiều kết quả cụ thể, nhưng chỉ riêng việc tổ chức được hội nghị cũng đã là một thành tựu, theo tờ Japan Times.

Robert Ward, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định, những vấn đề chia rẽ ba nước là rất đáng kể và thường liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia mà mỗi bên không thể thương lượng được.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết, hội nghị thượng đỉnh sẽ đề cập đến sáu lĩnh vực hợp tác, đó là kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thiên tai cũng như giao lưu nhân dân.

Bà Naoko Aoki, chuyên gia về Đông Bắc Á và là nhà khoa học chính trị tại Rand Corp, nói rằng, hội nghị thượng đỉnh ba bên luôn chú trọng hơn đến hợp tác kinh tế và dự kiến lần này cũng vậy. Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, vì vậy điều quan trọng là tất cả các nước phải quản lý mối quan hệ của mình. Các nước láng giềng hy vọng hội nghị thượng đỉnh “sẽ đóng vai trò là bước ngoặt để khôi phục và bình thường hóa hoàn toàn” hệ thống hợp tác ba bên của ba nước, tạo động lực “khôi phục hợp tác thực tế và hướng tới tương lai” - hãng tin Yonhap dẫn lời Phó cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói: “Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Trung Quốc kỳ vọng cuộc gặp này sẽ tạo động lực mới cho hợp tác ba bên và đạt được tốt hơn lợi ích chung cũng như kết quả đôi bên cùng có lợi giữa ba nước”.

Vẫn còn phải xem chiến lược như vậy sẽ thành công đến mức nào, vì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bước vào hội nghị thượng đỉnh này một cách nhất quán hơn bất kỳ hội nghị thượng đỉnh ba bên nào trước đó kể từ khi bắt đầu vào năm 2008. Thủ tướng Fumio Kishida, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giám sát việc khôi phục quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc, đặc biệt là trên mặt trận an ninh và nỗ lực thể chế hóa cũng như đảm bảo các mối quan hệ ba bên ổn định trong tương lai.

Một vấn đề khác của hội nghị lần này là cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc hy vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc hành động nhiều hơn để đáp lại việc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí mới. Tuy nhiên, bà Aoki cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc khó có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi quan điểm về Bình Nhưỡng, giống như các hội nghị thượng đỉnh ba bên trước đây. Mặc dù khó có thể đạt được bất kỳ bước đột phá nào, nhưng cả ba nước đều phát tín hiệu quan tâm đến việc thể chế hóa sự hợp tác ba bên sau thời gian dài vắng bóng các hội nghị thượng đỉnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết