Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Phương Hằng bị tạm giam, Đại Nam sẽ xử lý chiếc ghế lãnh đạo thế nào?

Được biết đến với vai trò Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đại Nam. Vậy sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam thì theo quy định, doanh nghiệp này sẽ xử lý với chiếc ghế lãnh đạo thế nào?

Công ty cổ phần Đại Nam được ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò vôi") thành lập vào năm 1996 và đăng ký kinh doanh hơn 100 ngành nghề, hoạt động chính là bất động sản. Năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi") thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành. Bà Hằng cũng kiêm luôn vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam.

Vậy với vai trò Tổng giám đốc điều hành, nhưng hiện nay bà Hằng đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng, theo quy định pháp luật, vai trò điều hành doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?

Bà Phương Hằng bị tạm giam, Đại Nam sẽ xử lý chiếc ghế lãnh đạo thế nào? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, với công ty cổ phần, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên trong Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Trường hợp bà Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị sẽ cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Về mặt quản lý, khi người đại diện pháp luật bị khởi tố bị can và tạm giam thì việc quản lý điều hành doanh nghiệp có thể sẽ giao cho cấp phó thực hiện hoặc do Hội đồng quản trị quyết định người tạm thay thế.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với tội danh bị khởi tố, bà Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Cụ thể, tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau.

Theo điều 331, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...