9x thu nhập 130 triệu đồng/tháng nghỉ việc để làm shipper tiết lộ lý do từ giã đời sống công sở: ‘Lương trăm triệu không mua được sức khoẻ, cuộc sống thư thái, tự tại’
"Sống được hơn nửa đời người rồi tôi mới nhận ra rằng, không quan trọng là bạn làm gì, điều quan trọng là làm một nghề, yêu một nghề và kiên trì với nó, và rồi, bạn có thể tạo ra sự khác biệt".
01
Trần Kiến, mức lương hàng tháng 40.000 NDT (khoảng 130 triệu đồng), nghỉ việc để đi giao đồ ăn.
Trần Kiến thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đông Bắc, Trung Quốc, anh vốn làm thiết kế mỹ thuật điện ảnh. Tài năng, sự nghiệp đầy hứa hẹn, kiếm được rất nhiều tiền, chính vì vậy khi đưa ra quyết định này, anh đã bị nhiều người chế giễu.
Rất nhiều cư dân mạng nói Trần Kiến trông không giống một chàng trai trẻ, trông anh giống như một ông chú 40+ thì đúng hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn đọc lý do nghỉ việc của anh ấy, có lẽ bạn sẽ cảm thông nhiều hơn:
Thức khuya hàng ngày, thức thâu đêm cũng là chuyện thường;
Bản thiết kế vất vả mấy ngày trời mới làm xong, Bên A từ chối chỉ với một câu nói…
Sau hơn một năm nghỉ việc, bệnh gan nhiễm mỡ của anh đã biến mất. Điều quan trọng nhất là không còn bị bất cứ ai phủ nhận thành quả lao động. Trở thành một nhân viên giao đồ ăn đã đưa anh trở lại với chính mình.
Mặc dù mất đi công việc được ngồi điều hòa, được trả lương cao, nhưng giờ đây, anh ấy đang sống một cuộc sống thoải mái, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Không có gì quý hơn niềm vui đơn thuần này. Dẫu sao thì cuộc đời này không bao giờ chỉ có một loại thành công. Trần Kiến cũng không phải là người đầu tiên nghỉ việc để đi giao đồ ăn.
02
Vào đầu năm ngoái, một bài báo với tiêu đề "Sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh quyết định giao đồ ăn" đã trở nên rất hot trên mạng xã hội nước này. Bài báo nói về Tiểu Trương, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh, vì công việc không suôn sẻ nên đã xin nghỉ việc và trở thành một nhân viên giao hàng.
Tiểu Trương tốt nghiệp một ngôi trường danh tiếng, cũng đã học lên cao học tại Đại học Bắc Kinh, nhưng suốt thời gian qua, anh không biết mình muốn gì. "Nếu bạn học một chuyên ngành mà bạn không hứng thú, hãy chạy theo xu hướng và học thạc sỹ. Công việc thực tập chẳng qua cũng chỉ là để "so sánh" với người khác.
Khi người khác nhận được đề nghị thực tập từ ngân hàng, tôi cũng sẽ muốn nhận được đề nghị thực tập từ ngân hàng tổng, có như vậy tôi mới cảm thấy mình hơn người khác, mới cảm thấy thoải mái hơn một chút”, Tiểu Trương nói.
Cho đến năm 25 tuổi, sau khi ra trường, anh bỗng cảm thấy cuộc đời mất phương hướng. Anh bắt đầu rụng tóc, béo lên, đãng trí như ba mẹ mình...
Trải nghiệm cuộc sống khiến anh nhận ra rằng, thất bại không chỉ ở việc không lo đủ cơm ăn áo mặc. Nỗi đau về tinh thần cũng không kém những khó khăn về tài chính. Vì vậy, sau khi bạn gái ra nước ngoài, anh quyết định nghỉ công việc ở một tòa nhà văn phòng và trở thành một nhân viên giao hàng bình thường.
Tiểu Trương phát hiện ra những nhân viên giao hàng hạnh phúc hơn mình rất nhiều.
Họ thức dậy vào buổi sáng với mục đích duy nhất là giao thêm một vài đơn hàng. Trên đường về ký túc xá nhân viên sau khi kết thúc công việc, họ mua ít bánh bao với thịt chín và đồ nguội, một chai bia, ăn xong chém gió với bạn bè rồi đi tắm nước nóng. Kiếm 8000-9000 tệ (khoảng 26-29 triệu đồng) một tháng ở Bắc Kinh, đi làm vài năm về quê dựng nhà, cưới vợ, buôn bán nhỏ.
Họ có thể "tự do tan làm" và có cái gọi là "cuộc sống". Đây là điều khiến Tiểu Trương ghen tị với họ.
Sau khi trở thành nhân viên giao hàng, Tiểu Trương bất ngờ phát hiện ra mình gầy đi được 20kg, anh thậm chí còn có thời gian để chụp ảnh, đọc sách và có cả thời gian để chăm sóc thế giới tinh thần của riêng mình khi rảnh rỗi.
Anh nhận ra rằng mình hiện tại có thể nhận bất kỳ loại công việc nào, và dù có làm gì, anh đều có thể làm nó một cách rất bình tĩnh. Anh bắt đầu hiểu rằng so với thành công trong mắt người khác, hạnh phúc và sự hài lòng của bản thân mới là quan trọng nhất. "Tôi muốn sống theo cách riêng của mình," anh nói.
03
Tiểu Hùng, 33 tuổi, ở Giang Bắc, Trùng Khánh, từng là một nhà thiết kế quảng cáo. Nhưng 3 năm trước, cô đã bỏ việc để khởi nghiệp và bắt đầu bán bánh nướng nhân thịt với cải khô ngâm chua.
Trong một cuộc phỏng vấn, Hùng chia sẻ:
"So với kiếm tiền, sức khỏe quan trọng hơn!".
Dưới phần bình luận, một cư dân mạng nói, tiêu chuẩn đánh giá xã hội ngày nay đã thay đổi, hãy cứ làm bất cứ điều gì bạn muốn và sống một cuộc sống nơi mà đời sống tinh thần của bạn đủ phong phú.
Đúng vậy, dù bạn đưa ra lựa chọn ra sao, điều quan trọng nhất là lấp đầy trái tim của bạn với niềm hạnh phúc và cảm thấy rằng nó xứng đáng. Suy cho cùng, sẽ chẳng bao giờ có một đáp án tiêu chuẩn cho tập câu hỏi với nội dung chính là "cuộc đời" này.
Tất nhiên, không phải ai cũng có cùng những suy nghĩ như vậy.
Một người bạn cùng lớp ở Đại học Bắc Kinh với Tiểu Trương từng nói với anh như này, "Nếu đã được nhận trình độ giáo dục cao như vậy, vậy thì cậu nên đóng góp giá trị của mình thay vì đi giao đồ ăn", nó có nghĩa là, công việc giao đồ ăn vừa không kiếm được bao nhiêu vừa không tạo ra được giá trị.
Nhưng tôi muốn nói rằng ngay cả trong những công việc mà bạn cho là bình thường và tầm thường nhất, vẫn luôn có người có thể hiện thực hóa được giá trị bản thân và thậm chí tạo ra được một vùng trời của riêng mình.
Giống như câu chuyện về quán quân chung cuộc của cuộc thi "Đại hội thơ Trung Quốc" mùa thứ ba.
Anh tên là Lôi Hải Vi, và anh chỉ là một nhân viên giao hàng bình thường. Tuy nhiên, trong phần thi chung kết của cuộc thi, anh đã đánh bại một đối thủ tài năng đến từ một ngôi trường nổi tiếng và dễ dàng giành chức vô địch.
Lý do là bởi Lôi Hải Vi rất yêu thơ ca.
Là một nhân viên giao hàng, công việc của anh là bán mặt ngoài đường, bất kể nắng mưa gió bão.
Nhưng lúc nào anh cũng mang theo bên mình cuốn "Ba trăm bài thơ Đường", lúc chờ đồ ăn hay lúc nghỉ ngơi, anh sẽ lấy nó ra để đọc.
"Mỗi một đơn đặt hàng được giao là một bài thơ được học thuộc, tôi rất hạnh phúc."
Còn cả Lục Bộ Hiên, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, 16 năm trước, anh quyết định đi bán thịt lợn, và anh tất nhiên cũng đã phải chịu đủ kiểu chế giễu và những ánh mắt lạnh lùng. Khi đó, ngay cả cha anh cũng cảm thấy xấu hổ và mắng mỏ anh.
Nhưng, anh đã nói với cha mình: "Con kiếm sống dựa vào sức lao động của mình, con không làm hại ai. Không cảm thấy mất mặt."
Vào thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời, Lục Bộ Hiên vẫn bán thịt lợn ở tiêu chuẩn "cấp Đại học Bắc Kinh", anh không bao giờ bán thịt ôi, anh có những yêu cầu cực kì nghiêm ngặt về chất lượng thịt, một ngày có thể bán được 12 con lợn.
Vào năm 2015, Lục Bộ Hiên và người bạn Trần Sinh đã cùng nhau tạo ra thương hiệu "Lợn địa phương số 1" với doanh thu kỷ lục, trở thành thương hiệu thịt lợn địa phương số một tại Trung Quốc, đồng thời mở "Trường dạy bán thịt".
Năm 2018, thương hiệu thịt của anh đã có mặt ở 30 thành phố lớn trên khắp Trung Quốc, với doanh thu đạt 1,8 tỷ nhân dân tệ trong năm đó.
Hiện tại, anh đã trở thành ông chủ sở hữu khối tài sản khổng lồ, đồng thời cũng đã quyên góp 900 triệu tệ cho Đại học Bắc Kinh, trường cũ của mình.
"Sống được hơn nửa đời người rồi tôi mới nhận ra rằng, không quan trọng là bạn làm gì, điều quan trọng là làm một nghề, yêu một nghề và kiên trì với nó, và rồi, bạn có thể tạo ra sự khác biệt."
Đã có khoảng thời gian Lục Bộ Hiên từng rất để ý tới lời nói của những người xung quanh, luôn cảm thấy rằng mình đã làm ô nhục và mất uy tín của trường cũ, anh thậm chí cũng từng từ bỏ để quay lại làm công việc văn phòng.
Nhưng hiện tại, gần 20 năm trôi qua, Lục Bộ Hiên tự tin nói với mọi người rằng mình là "người bán thịt lợn giỏi nhất trong số các cử nhân, và người biết nhiều chữ nhất trong số những người bán thịt lợn", rõ ràng, anh rất yêu công việc của mình.
Vậy đó, dù là người giao hàng hay người bán thịt lợn, bản thân công việc không phân cao thấp, quan trọng chính là người lao động.
Nếu có tâm thì dù công việc bình thường đến mấy, bạn cũng có thể trở thành bậc thầy. Nếu đủ nhiệt huyết thì dù vị trí công việc bình thường đến mấy, người lao động cũng có thể cho thấy giá trị của mình.
Chọn kiểu nghề nghiệp nào đó không có nghĩa là bạn đang từ bỏ chính mình, nó chỉ đơn giản là bạn đang tiếp tục tỏa sáng trên một con đường khác mà thôi.
Một nhà giáo dục người Trung Quốc từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng:
"Tiền là bằng chứng của năng lực, khi lương của bạn thấp hơn một nửa so với bạn cùng lớp, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã lãng phí một nửa cuộc đời."
Kiểu lập luận về cái gọi là thành công này hiện đang rất phổ biến.
"Lương hàng tháng trăm triệu", "tỷ phú trẻ", "khởi nghiệp thành công", "tốt nghiệp một ngôi trường danh giá", "Kết hôn với tiểu thư/công tử nhà giàu nào đó"… Tất cả dường như đã trở thành tiêu chuẩn của cái gọi là thành công trong thời đại ngày nay.
Vô số người trẻ đang nỗ lực vì những mục tiêu này, và trên con đường đi đến cái gọi là "thành công", họ vô thức đánh mất chính mình, hết lần này đến lần khác.
Tháng 11 năm 2019, tin tức về việc NetEase (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc) sa thải những nhân viên mắc bệnh nan y đã trở thành tin hót tại đất nước tỷ dân.
Nhân viên J làm việc chăm chỉ, "thường xuyên tan sở vào lúc hai hoặc ba giờ đêm" và "số lần xin nghỉ ốm rất ít."
Tuy nhiên, sau khi một vấn đề về thể chất được phát hiện vào cuối tháng 1, anh ấy đã bị người giám sát đánh giá mức "thành tích D" vào cuối tháng 3, và kết luận rằng anh ấy không còn phù hợp để tiếp tục làm việc.
Công ty đã sa thải nhân viên vì nhiều lý do gián tiếp khác nhau, nhân viên J bất lực, cuối cùng quyết định dùng tới pháp luật.
Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, cơ thể anh cũng vì công việc mà suy sụp, tiền dành dụm cũng không được bao nhiêu, phấn đấu bao nhiêu năm, giờ đây anh cảm thấy không đáng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Vương Sóc, tác gia đồng thời là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, khi được hỏi liệu có muốn con gái mình trở thành một người thành công hay không, Vương Sóc đã đáp:
"Tôi không muốn bất cứ điều gì từ con gái mình. Tôi chỉ mong con bé có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Tôi không cần con bé thành công. Tôi ghét nhất là từ này. Thành công? Chẳng phải cũng chỉ là kiếm chút tiền thôi ư, những người bị cái gọi là tiêu chuẩn xã hội áp đặt liệu có biết điều này không?"
Quá nhiều người liều mạng chạy về phía trước, trên đường đua của cái gọi là trưởng thành, yêu đương, học hành, nghề nghiệp, mà quên mất rằng, không gì đáng giá hơn là làm theo tiếng nói bên trong trái tim của chính mình.
Cuộc sống không phải là một tờ giấy thi, cần được đóng khung trong một phạm vi nhất định. Cho dù bạn coi "kiếm nhiều tiền nhất và làm công việc tốt nhất" là mục tiêu sống của mình hay khao khát cuộc sống tự do không bị gò bó, tất cả đều là những lựa chọn cần được cân nhắc.
Vương Tiểu Ba, tiểu thuyết gia, tiểu luận gia nổi tiếng người Trung Quốc đương đại cũng nói: "Tôi có yêu cầu rất thấp đối với bản thân: Tôi sống trên thế giới này, chỉ muốn hiểu được một số đạo lý và gặp được một số điều thú vị. Nếu được như vậy, cuộc đời tôi coi như đã thành công."
Rất nhiều khi, việc lựa chọn sống một cuộc sống tốt đẹp ra sao, thực ra luôn nằm trong tay của chính bạn. Cuộc sống vốn là một hành trình theo đuổi những điều mình mong muốn. Không chỉ cuộc sống với mức lương hàng trăm triệu mới là đáng sống.
Hiện tại bạn đang làm công việc gì? Bạn của hiện tại có hài lòng với công việc của mình hay không?
Tổng hợp: Toutiao, Sohu