Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu xây mới 4.285 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo
Ngày 7/2, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 214/QĐ-UBND về Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có nhu cầu xây mới trong năm 2025. Trong năm nay, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu hoàn thành xây mới 4.285 căn nhà.
Theo Đề án, phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sinh sống bằng nghề nông, làm nương rẫy. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình chính sách, hộ người dân tộc thiểu số chưa có nhà ở hoặc chỉ có nhà tạm dột nát, cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 5.405 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu sửa chữa, xây mới trong năm 2025; trong đó nhu cầu xây mới là 4.285 căn, nhu cầu sửa chữa 1.120 căn.
Tổng kinh phí xây dựng mới theo Đề án là 342,8 tỷ đồng, tương ứng 80 triệu đồng/căn. Trong đó, kinh phí cấp từ Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của Trung ương là 257,1 tỷ đồng; kinh phí ngân sách tỉnh dự kiến bố trí thêm 85,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương chủ động vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ thêm để xây dựng nhà ở cho các hộ dân. Tỉnh phấn đấu trước ngày 30/10/2025 sẽ hoàn thành và tổ chức bàn giao 4.285 căn nhà cho người dân sử dụng nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần giúp người dân nghèo có nhà ở ổn định, sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, là động lực đưa tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh về kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Thông qua việc thực hiện Đề án nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk.
Việc triển khai Đề án bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng, chất lượng và tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra để người dân có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu chuẩn xây dựng nhà đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đồng thời đảm bảo “đồng bộ, khẩn trương, xong đến đâu, nghiệm thu và bàn giao cho người dân đến đó”. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch và không để xảy ra lãng phí hay tiêu cực.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Công an tỉnh mở 1 tài khoản để tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ tỉnh Đắk Lắk và các nguồn vốn huy động khác; là đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát thực tế để lựa chọn, thiết kế mẫu nhà phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện khí hậu của tỉnh. Đồng thời, Công an tỉnh chủ trì tham mưu tổ chức Lễ khởi công, khánh thành, bàn giao nhà cho người dân; chủ trì tham mưu đánh giá hiệu quả, tác động của Đề án đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, từ nhiều nguồn lực, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xây mới, sửa chữa 5.649 căn nhà; trong đó xây mới 4.612 căn, sửa chữa 1.037 căn. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn tỉnh còn 34.434 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,38% và 27.651 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,12%./.
Hoài Thu