Bắc Ninh: Tăng cường giám sát, điều trị phòng, chống dịch bệnh cúm mùa
Sở Y tế Bắc Ninh vừa ban hành văn bản về việc tăng cường giám sát, điều trị phòng, chống dịch bệnh cúm mùa.
Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông xuân (nhiệt độ thấp, nồm, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền các dịch bệnh đường hô hấp) kết hợp nhu cầu giao lưu, đi lại, tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025 là điều kiện dễ lây lan bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, nhất là bệnh cúm.
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh cúm mùa và các dịch bệnh khác. Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Ninh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, thời gian gần đây, số ca mắc cúm mùa có xu hướng gia tăng nhẹ. Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh cúm mùa, Sở Y tế Bắc Ninh yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm mùa trong nước và trên địa bàn tỉnh, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế;
Xây dựng tin, bài tuyên truyền về phòng chống dịch cúm mùa gửi đến các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch cúm mùa bằng nhiều hình thức để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh;
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về giám sát dịch cúm mùa và dịch bệnh khác cho các đơn vị y tế trên địa bàn; kiểm tra, giám sát các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống cúm và các bệnh truyền nhiễm theo quy định, đặc biệt là chế độ thông tin báo cáo dịch. Chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch cần thiết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, các trường hợp nghi nhiễm cúm tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh; đảm bảo đầy đủ hóa chất, vật tư, thiết bị y tế cần thiết cho công tác phòng, chống dịch; chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các tuyến trong công tác triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Phối hợp với ngành giáo dục cùng cấp đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm.
Các đơn vị khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh cúm mùa và các dịch bệnh khác. Theo dõi sát và xử trí kịp thời những diễn biến bất thường; thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong việc xử trí, cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh; thực hiện tốt công tác phòng, kiểm soát nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh,...
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh sẵn sàng thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển nặng, tử vong. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh biết cách phòng bệnh, kỹ năng chăm sóc người bệnh nhẹ tại nhà, kỹ thuật sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp theo đường lây truyền của bệnh. Duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng tại các đơn vị khám chữa bệnh, thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp do virus cúm gây ra và được chia làm 2 loại: cúm A, cúm B. Bệnh lây từ người sang người, có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, bệnh chuyển biến nặng hơn ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính như: Tiểu đường, tim mạch...
Để phòng, chống bệnh lây lan người dân cần thực hiện các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh cúm, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.