Sớm triển khai các dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu Nghị-Chi Lăng
Việc triển khai đầu tư, sớm hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc kết nối hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia.
Sớm triển khai các dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu Nghị-Chi Lăng (Ảnh: VGP) |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 172/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trong đó nêu rõ, việc triển khai đầu tư, sớm hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc kết nối hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Đồng thời kết hợp với tuyến từ Lạng Sơn đi Tiên Yên - Quảng Ninh sẽ tạo ra trục giao thông kết nối trực tiếp Cao Bằng, Lạng Sơn ra biển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo hành lang phát triển kinh tế - xã hội, là không gian, động lực phát triển mới cho khu vực miền núi Đông Bắc.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh các Dự án nêu trên theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 6/2022; chủ động hướng dẫn các tỉnh triển khai nhanh nhất các thủ tục hành chính để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
UBND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chủ động hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai dự án; chịu trách nhiệm thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao khi đã lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định; chủ động phương án bố trí các nguồn, mỏ vật liệu, bãi thải... phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 và hiệu quả đầu tư của dự án.
Theo tìm hiểu, dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã được liên danh do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đề xuất đầu tư.
Liên danh còn có Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest. Các bên cam kết huy động vốn 2.685 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài hơn 115 km, đi qua khu vực địa hình cao, nhiều thung lũng với nền địa chất phức tạp, tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến là 13.180 tỷ đồng. Là tỉnh vùng cao giáp Trung Quốc, hiện nay các tuyến đường đến Cao Bằng đều có lưu lượng thấp, nên nhiều năm qua dự án cao tốc không thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến 7.609 tỷ đồng. Dự án này bị đình trệ từ năm 2018 do nhà đầu tư không thu xếp được vốn tín dụng khiến tuyến cao tốc chưa được nối thông từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị.
Thuận Thảo