Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội: 2 công trình đường vành đai “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu

Đại biểu Quốc hội của đoàn tỉnh Thái Bình cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.

Sáng 10/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

5146-17-tryyng-tryng-nghya-tphcm-tranh-luyn-0610

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phần thảo luận, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khẳng định đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Điều 3, khoảng 2 c của dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu. Nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Với nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này. Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.

Mặt khác, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.

5418-13-nguyyn-vyn-than-thai-binh-tranh-luyn-0610

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Theo đại biểu, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.

Phát biểu tranh luận lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch các Ủy ban tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, điều này không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch Ủy ban tỉnh thành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chưa chắc Chủ tịch các Ủy ban tỉnh thành mặn mà, do đó, sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề để hiểu tình trạng hiện nay và thúc đẩy, cải thiện quá trình này.

Thuận Thảo

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...