Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc qua những địa chỉ ghi dấu ấn lịch sử

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn và Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.

Lan tỏa tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc qua những địa chỉ ghi dấu ấn lịch sử

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu tới thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn. Ảnh: Quang Vinh

Chiều 22.4, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn và Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.

Cùng đi với đoàn có bà Hàm Huy, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Tây và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Tới thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu đã được nghe giới thiệu về quá trình ra đời và những hoạt động ý nghĩa của bệnh viện đối với nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến và những thành tựu mà bệnh viện đạt được trong thời gian qua.

Theo đó, Bệnh viện Nam Khê Sơn trước đây là một bệnh viện hết sức đặc biệt do Chính phủ Trung Quốc cho xây dựng ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chỉ nhận thương binh, bệnh binh là cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam đến điều trị.

Bệnh viện khởi công năm 1967 và được xây dựng từ những nguyên vật liệu tốt nhất, thiết bị tốt nhất Trung Quốc thời điểm đó. Bệnh viện chính thức khánh thành, được đặt tên là Bệnh viện Nam Khê Sơn vào ngày 23.10.1968 và đón đợt thương binh, bệnh binh người Việt Nam đầu tiên đến điều trị ngày 26.3.1969.

Kể từ tháng 3.1969, thông qua đầu mối phía Việt Nam là Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Khê Sơn trực thuộc Bộ Y tế Trung Quốc đã thực hiện việc điều trị cho các thương binh, bệnh binh từ miền Nam Việt Nam và cán bộ trung cao cấp ở các địa phương của Việt Nam.

Trong suốt quá trình Bệnh viện triển khai chữa trị cho thương binh Việt Nam, đã có nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam tới thăm, động viên, trao quà tặng bác sĩ và bệnh nhân. Năm 1974, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất đối với tập thể cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn.

Sau đợt thương binh, bệnh binh Việt Nam cuối cùng xuất viện tháng 12.1975, từ năm 1976, Bệnh viện Nam Khê Sơn được đặt dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Tây. Hiện nay, Bệnh viện Nam Khê Sơn thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Cũng trong chiều 22.4, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu tới thăm Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu tới thăm Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu tới thăm Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Từ những năm 1950 đến những năm 1970, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, được sự đồng ý của nước bạn Trung Quốc, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển đến giảng dạy tại khu Dục Tài tại Đại học Sư phạm Quảng Tây để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò. Từ năm 1951 đến năm 1975, hơn 10.000 học sinh Việt Nam đã hoàn thành học tập tại Quế Lâm rồi trở về Tổ quốc.

Được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (18.1.1950 - 18.1.2010), Nhà Kỷ niệm các trường học Việt Nam hiện đang trưng bày những kỷ vật, hình ảnh… ghi lại những năm tháng học tập không thể nào quên của những thế hệ học sinh Việt Nam thời kỳ kháng chiến.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...