Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm mặt những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ năm Nhâm Dần

Từ tháng 2/2022 nhiều chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực như người lao động thời vụ được tăng giờ làm thêm lên 40 giờ mỗi tháng; một số hàng hóa, dịch vụ giảm 2% thuế VAT,...

2811-anh-cap-than-ho-xuat-hien-ben-ho-guom-don-nam-nham-dan-anh1-3-1643529075-854-width1200height800

Ảnh minh họa

Số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng (từ 1/2/2022)

Thông tư số 18/2021/BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, thay vì 32, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 mỗi tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 một tuần (trước đây là 60). Tổng giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong một ngày không quá 12.

Giảm thuế VAT xuống 8% (từ 1/2/2022)

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ 1/2 đến hết 31/12/2022.

Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%. Việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Không được viết tắt nơi sản xuất hàng hóa (từ 15/2/2022)

Nghị định số 111/2021 /NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43 về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực. Nghị định mới sửa đổi, bổ sung nội dung về xuất xứ hàng hóa, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Việc này phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ như "sản xuất tại", "chế tạo tại", "nước sản xuất", "xuất xứ", "sản xuất bởi", "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như "lắp ráp tại", "đóng chai tại", "phối trộn tại", "hoàn tất tại", "đóng gói tại", "dán nhãn tại" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn (từ 2/2/2022)

Thông tư số 17/2021/ TT/BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022.

Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn (với sản phẩm có lỗi ghi nhãn); chuyển mục đích sử dụng (với thực phẩm không bảo đảm an toàn, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp); tái xuất (thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất); tiêu hủy (thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất).

Sau khi hoàn thành việc tiêu hủy thực phẩm, chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, thời gian đã hoàn thành việc tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy, kèm theo biên bản tiêu hủy thực phẩm có xác nhận của tổ chức thực hiện tiêu hủy đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.

Nhật Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...