Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện đại sứ thời COVID-19

Đầu tháng 12/2019, sau khi chính thức nhận quyết định bổ nhiệm đại sứ nhiệm kỳ 2019-2022, các đại sứ nước ta hăm hở chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, ai dè đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát khiến con đường ra nước ngoài của họ trở nên vô cùng khó khăn. Dẫu biết rằng một nhiệm kỳ đầy gian nan, thử thách đang chờ đón, họ vẫn quyết tâm lên đường.

Khi các đường bay quốc tế tạm dừng hoạt động

Bà Phạm Thị Kim Hoa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Brazil kiêm nhiệm Bolivia, Peru, Guyana và Suriname, chia sẻ: “Tôi có vé bay sang Brazil vào tháng 3/2020 thì đúng lúc đó Việt Nam và thế giới bùng phát dịch COVID-19, các nước đóng cửa biên giới, các chuyến bay quốc tế phải tạm dừng. Tôi phải chờ đến tháng 6 mới có chuyến bay sang Mỹ, rồi từ đó bay tiếp sang Brazil”.

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa kể cụ thể: Brazil là quốc gia bùng phát dịch COVID-19 rất nhanh. Lúc cao điểm có tới 4.000 người chết/ngày và có tới hơn 40.000 người mắc/ngày. Hồi năm 2020 làm gì đã có vắc xin hay thuốc chữa COVID-19, nếu chẳng may mắc thì không biết làm thế nào.

Đại sứ Hoa cho biết, chưa bao giờ chị đi một chuyến bay quốc tế mà chỉ có vài người trên máy bay, gồm một số đại sứ sang nhận nhiệm kỳ tại châu Mỹ và 3-4 người Mỹ bị mắc kẹt tại Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, “bụng” của máy bay (khoang hành lý) chất đầy khẩu trang, là hàng viện trợ cho cộng đồng người Việt tại San Francisco (Mỹ).

Bình thường, nếu đi từ Việt Nam sang Brazil chỉ mất hai ngày, nhưng lúc đó Đại sứ Hoa phải đi mất 5 ngày. Bởi lẽ, khi đến San Francisco (Mỹ), chị lại phải chờ một ngày một đêm để bay sang bang Texas vì ở đó mới có đường bay quốc tế để bay sang thành phố Sao Paulo của Brazil.

Tại Sao Paulo, Đại sứ Hoa đã được cán bộ Đại sứ quán ra đón và đưa về thủ đô Brasilia bằng đường bộ (2.000 km) vì lúc đó Brazil đang là nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, việc di chuyển bằng chuyến bay nội địa là rất rủi ro.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Morocco (Ma-rốc) kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà, Benin, Guinea, Burkina Faso, Gabon, Mauritani và Guiné-Bissau, có lẽ là một trong số những đại sứ gặp nhiều trắc trở nhất.

Từ hôm về đến Ma-rốc hơn một tuần, ngày nào Đại sứ Thu Hà cũng phải xét nghiệm COVID-19 để sẵn sàng cho buổi trình Quốc thư.

Từ tháng 3/2020, Ma-rốc bùng phát dịch và đóng cửa biên giới. Mãi tới tháng 8/2020, Đại sứ Hà mới sang được Ma-rốc bằng cách nối chuyến bay giải cứu công dân của Ma- rốc từ Paris. Ma-rốc là một nước quân chủ lập hiến, vua là nguyên thủ quốc gia, sức khỏe của nhà vua là tối quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhà Vua hạn chế tiếp xúc tối đa.

Chính vì thế, việc trình Quốc thư (Thư ủy nhiệm) của đại sứ các nước sau gần hai năm kể từ tháng 1/2020 vẫn chưa được tổ chức. Đầu tháng 12/2021, Đại sứ Hà về nước dự hội nghị ngoại giao 31. Khi hội nghị vừa khai mạc được hai ngày, bất ngờ 12 giờ đêm thứ Sáu chị nhận được tin nhắn của Bộ ngoại giao Ma-rốc yêu cầu có mặt vào thứ Hai để trình Quốc thư. Nhưng lúc đó toàn bộ các chuyến bay và biên giới vào Ma- rốc đều bị đóng lại bởi biến thể mới Omicron.

Nếu không trình được lần này, chị sẽ có nguy cơ trở thành Đại sứ hiếm có không trình được Quốc thư trong cả nhiệm kỳ. Chị tá hỏa cầu cứu khắp nơi xem có chuyến bay nào vào Ma- rốc không, nhưng vô vọng. Bí quá, chị đã tính đến phương án đi đường bộ từ Tây Ban Nha vì Ma-rốc là quốc gia ở Bắc Phi, đối diện với Tây Ban Nha khoảng 13 km qua eo biển Gibraltar, với suy nghĩ “chả nhẽ đến biên giới rồi mà bạn không cho mình vào”.

Chuyện đại sứ thời COVID-19  - Ảnh 3.

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa trình Quốc thư cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Rất may, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Ma-rốc, chị đã được bố trí một chỗ trong chuyến máy bay riêng (private jet) chở 6 Đại sứ Ma-rốc ở nước ngoài về gặp Vua để nhận quyết định đi nhiệm kỳ ở nước khác, khởi hành tại sân bay Bourget (Pháp) ngày Chủ nhật, chỉ cách giờ đến sân bay Charles De Gaule của chị có một giờ đồng hồ.

Chị bảo, may có các anh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hỗ trợ hết sức thì mới kịp, mừng nhất là vẫn lấy kịp hành lý. Tôi hỏi: “Đại sứ có thể tiết lộ hành lý có những gì?”. Đại sứ Thu Hà nói: “Có mấy bộ áo dài thôi, nhưng quan trọng nhất là ít măng miến và các món ăn dân tộc mang sang cho bà con ăn Tết”.

Ứng xử với COVID-19 của chủ nhà, mỗi nơi mỗi khác

Khi mới bắt đầu đại dịch COVID-19, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vốn được biết đến là người coi đại dịch COVID-19 chỉ như cúm mùa. Do đó, các bộ trưởng tiếp xúc với ông không phải cách ly hay xét nghiệm trước khi gặp. Đặc biệt, tổng thống cũng không bao giờ đeo khẩu trang.

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa sang Brazil ngày 10/6/2020, lúc đó Brazil không áp dụng quy định phải cách ly tập trung 14 ngày đối với người nước ngoài, mà chỉ tự ở nhà theo dõi sức khỏe 14 ngày. Đến ngày 18/6, Đại sứ Hoa đã được trình Quốc thư, quá nhanh so với dự kiến.

Mặc dù đại sứ quán Việt Nam tại Brazil do bà Hoa lãnh đạo rất quán triệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, làm việc online, hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa, nếu tiếp xúc thì giữ khoảng cách 2m-5m. Thế nhưng, khi trình thư Quốc thư, Đại sứ Hoa phải "nhập gia tùy tục", không đeo khẩu trang, nhưng trong lòng không khỏi lo lắng.

Đại sứ Hoa chia sẻ, Brazil là quốc gia bùng phát dịch COVID-19 rất nhanh. Lúc cao điểm có tới 4.000 người chết mỗi ngày và có tới hơn 40.000 người mắc mỗi ngày.

Sau khi trình Quốc thư, một tuần sau, Đại sứ Hoa nhận được tin báo của Bộ ngoại giao Brazil rằng, tổng thống đã mắc COVID-19. Đại sứ Hoa cho biết: "May là mình không mắc COVID-19, chứ nếu lỡ mắc thì không biết chữa thế nào".

Chuyện đại sứ thời COVID-19  - Ảnh 4.

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa trình Quốc thư cho Tổng thống Peru Pedro Castillo

Khác với Brazil, Ma-rốc lại đề phòng cao độ đối với COVID-19. Các đường bay quốc tế đóng cửa ngay khi dịch bùng phát, phải đến gần cuối năm 2020 mới mở lại, rồi cuối năm 2021 lại đóng do biến thể mới Omicron. Các hoạt động đông người bị hạn chế. Chính vì thế, Đại sứ Thu Hà sang Ma-rốc gần nửa nhiệm kỳ mà vẫn mòn mỏi chờ đợi ngày được trình Quốc thư. Bà cho biết, có tới gần 60 đại sứ có số phận giống như bà.

Từ hôm về đến Ma-rốc hơn một tuần, ngày nào Đại sứ Thu Hà cũng phải xét nghiệm COVID-19 để sẵn sàng cho buổi trình Quốc thư. Chị bảo, thôi thế cũng may, chứ không thì sau Hội nghị, chắc chị phải ở Việt Nam thêm vài tháng vì không có chuyến bay.

Theo nguyên tắc ngoại giao, nhiều nước có quy định khi chưa trình Quốc thư thì Đại sứ không chủ trì các hoạt động chính thức, không được gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao. Thế nhưng, gần một năm rưỡi qua, mặc dù chưa được trình Quốc thư, Đại sứ Thu Hà vẫn làm được nhiều việc đáng kể. Đặc biệt, chị đã có các cuộc làm việc với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc.

Đại sứ Thu Hà cho biết thêm, mặc dù đại dịch COVID-19, nhưng ngành ngoại giao thì không thể tránh được việc phải tiếp xúc, giao tiếp…, vừa làm vừa thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Chị Hà cũng bày tỏ ngưỡng mộ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, vị đại sứ năng nổ trong ngành ngoại giao và đã từng bị mắc COVID-19 khi Ấn Độ bùng dịch vào năm 2020 cùng gần 80% nhân viên đại sứ quán. Đại sứ Thu Hà nói: “Chúng tôi luôn xem facebook của Đại sứ Sanh Châu để học hỏi”.

Điều mà Đại sứ Thu Hà tâm đắc nhất trong thời gian qua là tranh thủ đúng thời điểm tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Ma-rốc và Hội Hữu nghị Ma-rốc - Việt Nam tổ chức được một buổi lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ma-rốc vào ngày 12/11/2021 thật hoành tráng và ý nghĩa với sự tham dự của hơn 300 quan khách tại Nhà hát Mohamed V.

Sự kiện được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Ma-rốc, qua đó không chỉ tăng cường quan hệ hai nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với các màn trình diễn áo dài, nhạc cụ dân tộc, võ cổ truyền Việt Nam,Vovinam, triển lãm tranh...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...