Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Còn tình trạng nhiều đơn vị ngoài Bộ Y tế cung cấp dịch vụ y tế

Theo TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước), một trong những bất cập của mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập đó là việc ngoài Bộ Y tế, vẫn còn tình trạng một số đơn vị thuộc các bộ, ngành khác cùng cung cấp dịch vụ y tế, như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Còn tình trạng nhiều đơn vị ngoài Bộ Y tế cung cấp dịch vụ y tế

Còn một số bệnh viện, cơ sở y tế không thuộc Bộ Y tế. Ảnh minh hoạ: Vân Linh

Sáng 2.11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhằm sơ kết quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-CT/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-CT/TW, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đa dạng, với nhiều nhiệm vụ và loại hình khác nhau.

Sự tham gia đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

 

 PGS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2021, đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 254.519 tỉ đồng, chiếm 53,5% trong tổng giá trị tăng thêm của hoạt động sự nghiệp công lập.

Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm đạt 154.514 tỉ đồng, chiếm 32,5% và xếp thứ 2 trong đóng góp về giá trị tăng thêm.

Giá trị tăng thêm hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 24.902 tỉ đồng, chiếm 5,2%. Giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông đạt 12.843 tỉ đồng, chiếm 2,7%,...

Năm 2020, các ngành dịch vụ đóng góp khoảng gần 40% GDP, trong đó dịch vụ sự nghiệp công có đóng góp 5,92% GDP. 

Cũng theo kết quả Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm năm 2021, cả nước có 52,5 nghìn đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016; Lao động sự nghiệp là 2,4 triệu người.

 

 Quang cảnh Hội thảo.

Ngoài những kết quả đạt được, phát biểu tại hội thảo TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước) đã chỉ ra những bất cập trong mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, hiện nay vẫn còn thiếu quy hoạch tổng thể mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau và có cơ chế quản lý không thống nhất, mang tính nội bộ, tạo sự bất bình đẳng trong cùng loại hình cung cấp dịch vụ công, phân tán và chồng chéo về nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả, lãng phí nguồn lực. 

"Chẳng hạn, đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, ngành và các địa phương cùng cung cấp dịch vụ công thuộc sự nghiệp đào tạo. Hay ngoài Bộ Y tế, còn tình trạng một số đơn vị thuộc các bộ, ngành khác cùng cung cấp dịch vụ y tế, như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...", TS Lê Đình Thăng nêu ví dụ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Lợi cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Trong đó, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp ít và tăng trưởng chậm, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn;

Việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. 

Công tác phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước vẫn chủ yếu theo yếu tố đầu vào và theo biên chế, chưa gắn với đầu ra về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. 

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa thể thích nghi ngay với cơ chế tự chủ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, còn mang tâm thế ỷ lại, kéo dài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động. 

Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa cao, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ công của đơn vị. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết