Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển biến tích cực sau hơn 5 tháng TPHCM triển khai thu phí vỉa hè

Sau 5 tháng thí điểm thu phí vỉa hè, nhiều khu vực tại TPHCM, đặc biệt là Quận 1, đã trở nên ngăn nắp, trật tự hơn nhờ việc phân chia không gian rõ ràng, phục vụ cho cả người đi bộ, buôn bán và giữ xe máy.

Chuyển biến tích cực sau hơn 5 tháng TPHCM triển khai thu phí vỉa hè

Vỉa hè được kẻ vạch sơn, chia thành từng khu vực trên đường Phan Chu Trinh (Quận 1). Ảnh: MINH QUÂN

Những thay đổi tích cực

Gần chợ Bến Thành (Quận 1), vỉa hè đường Lê Thánh Tôn giờ đây được chia thành 3 phần riêng biệt bằng vạch sơn: Chỗ để xe máy, lối đi bộ và khu vực kinh doanh. So với trước kia, phần vỉa hè dành cho người đi bộ đã trở nên thông thoáng nhờ có các vạch kẻ phân định rõ ràng. Để vỉa hè đủ điều kiện thu phí, mỗi khu vực phải rộng ít nhất 3m, trong đó dành 1,5m cho người đi bộ.

Khu vực này là một trong 11 tuyến đường được Quận 1 thí điểm thu phí vỉa hè từ tháng 5. Mức phí dao động từ 20.000-350.000 đồng/m², tùy theo vị trí và mục đích sử dụng. Đến nay, Quận 1 đã thu được gần 900 triệu đồng từ 217 trường hợp sử dụng vỉa hè.

Ông Nguyễn Văn Tài - chủ một tiệm cà phê trên đường Phan Bội Châu, chia sẻ, kể từ khi áp dụng thu phí, việc phân chia không gian trở nên quy củ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả kinh doanh và người đi bộ.

Mô hình thí điểm tiếp tục mở rộng

Sau 5 tháng triển khai, hiện chỉ có 5/22 quận, huyện tại TPHCM áp dụng thu phí vỉa hè, gồm các Quận 1, 3, 4, 10 và 12. Các quận này đã chấp thuận cho hơn 1.600 trường hợp sử dụng hè phố làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa. Tổng số tiền thu được ước tính khoảng 3,6 tỉ đồng.

Quận 10 đã triển khai thu phí sử dụng vỉa hè qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 từ ngày 1.8, mở rộng thu phí trên 28 tuyến đường và các điểm trông giữ xe 2 bánh. Hiện, 808 hộ dân đã đăng ký và nộp hơn 1,5 tỉ đồng phí sử dụng vỉa hè qua tài khoản của UBND 14 phường, giúp quản lý vỉa hè hiệu quả hơn.

Đại diện UBND Quận 10 cho biết, sau 3 tháng triển khai, hầu hết các hộ dân thuê vỉa hè đều đồng tình và ủng hộ, chưa có khó khăn phát sinh.

Tại Quận 1, theo ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận, mô hình thu phí vỉa hè giúp cải thiện văn minh đô thị đáng kể. Hiện Quận 1 đã cấp phép sử dụng vỉa hè cho các hoạt động kinh doanh nhưng chưa triển khai đối với việc giữ xe máy. Dự kiến, Quận 1 sẽ đánh giá và nhân rộng mô hình này trên các tuyến đường khác.

Một số quận khác như quận Bình Thạnh, Quận 5 vẫn đang chờ hướng dẫn và các quy định pháp lý cụ thể để triển khai thu phí sử dụng vỉa hè. Theo đại diện UBND quận Bình Thạnh, việc giám sát và xử lý vi phạm khi người dân không tuân thủ quy định về thời gian, diện tích đăng ký sử dụng cũng cần có các cơ chế rõ ràng hơn.

Đại diện UBND Quận 5 cho biết, quận đã ban hành danh mục 39/96 tuyến đường có vỉa hè thu phí sử dụng tạm để kinh doanh. Dự kiến trong tháng 10, các phường sẽ nhận hướng dẫn cụ thể để triển khai thu phí. Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khăn do quận cần rà soát các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quy trình cấp phép và thu phí được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ trên toàn quận.

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - nhận định, việc sử dụng vỉa hè làm điểm kinh doanh dịch vụ tại hơn 1.600 vị trí ở 5 quận có thể mang lại sinh kế cho ít nhất 1.600 hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông, chưa qua đào tạo và những người yếu thế.

Bên cạnh việc tạo cơ hội cho người dân, mô hình này cũng giúp giảm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép, góp phần duy trì trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm ở một số địa phương vẫn còn rất chậm. Đến nay chỉ có 5 quận triển khai cấp phép và thu phí, trong khi 7 địa phương khác đã ban hành danh mục theo thẩm quyền, còn 15 quận, huyện vẫn chưa thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...