Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Nội vụ nói về cách xếp lương khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Bạn đọc là giáo viên băn khoăn về việc xếp lương sau khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ông Lê Duy Khánh (Quảng Nam) là giáo viên tiểu học, xếp lương hệ số 4,89, bậc 10, hệ cao đẳng (Mã V.07.03.08), đang hưởng 10% phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nhà giáo 36%, phụ cấp ưu đãi nghề 35%.

Sau khi hoàn thành chương trình đại học, ông Khánh được chuyển chức danh nghề nghiệp thành giáo viên tiểu học hạng III, xếp lương hệ số 4,98 ở bậc 9, hệ đại học (Mã V.07.03.29).

Ông được tính hệ số chênh lệch bảo lưu 0,4 (theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV), phụ cấp thâm niên nhà giáo 36%, phụ cấp ưu đãi nghề 35%.

Khi tính toán lương cho giáo viên, căn cứ quy định hiện hành tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP và Thông tư số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì chưa có cơ sở để cộng hệ số chênh lệch lương vào hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, tính mức tiền phụ cấp (thâm niên nhà giáo, ưu đãi giáo viên).

Do đó tổng lương thực nhận của giáo viên thấp hơn so với mức lương trước khi chuyển xếp ngạch (khoảng 500.000 đồng), làm ảnh hưởng quyền lợi của ông.

Vì vậy, ông Khánh đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm, hướng dẫn việc tính lương cho giáo viên, có thể căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 4 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV để không xếp lại lương cho giáo viên.

Liên quan đến phản ánh và kiến nghị của ông Khánh, trên Cổng Thông tin điện tử, Bộ Nội vụ cho biết: Việc chuyển xếp lương khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch (chức danh nghề nghiệp) cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch (chức danh nghề nghiệp) mới được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25.5.2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Trường hợp xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ thì hệ số chênh lệch bảo lưu này được làm căn cứ để tính hưởng các khoản phụ cấp (phụ cấp thâm niên nhà giáo và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo).

Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Cách tính mức tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được thực hiện theo công chức quy định tại Khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLTBGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23.1.2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/TTg ngày 6.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị ông liên hệ với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Nam (Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo) để được giải đáp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết