Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Thuận sớm bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và sự phối hợp của các đơn vị liên quan, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 11 tháng năm 2023 cơ bản đảm bảo tiến độ giải ngân so với kế hoạch đề ra.

Tổng vốn đầu tư công được giao năm 2023 của tỉnh là hơn 5.600 tỷ đồng; trong đó, vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định hơn 600 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm là 5.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 11/2023 đạt gần 3.600 tỷ đồng (đạt 63,63% kế hoạch năm 2023).

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp ở một số lĩnh vực chủ yếu tập trung ở bồi thường, giải phóng mặt bằng; do giá cả nguyên vật liệu, nhân công tăng; đơn giá xây dựng tăng, bổ sung thiết kế phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới về phòng cháy chữa cháy; đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường... Việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình kéo dài thời gian. 

Việc phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư cũng như phối hợp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, thường xuyên bị động. Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn. Các dự án ODA trình tự hồ sơ phức tạp, phụ thuộc vào nhà tài trợ…

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2023 đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng, triển khai thi công các công trình. Các cơ quan được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư sớm hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2024.

Riêng đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt, giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai và đăng ký bổ sung nguồn vốn ODA còn lại của năm 2023 chưa phân khai.

Đối với các dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Tỉnh triển khai phối hợp tốt với các chủ đầu tư để đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các công trình dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2023 và các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những dự án đã ghi kế hoạch vốn năm 2023 nhưng chưa thực hiện xong đấu thầu, bàn giao mặt bằng triển khai dự án ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh./.

Nguyễn Thanh 


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết