Bàn giải pháp thúc đẩy thành lập mới các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam
Sáng ngày 20/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Kiểm ngư tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy thành lập mới các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam”.
Dự hội thảo có ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau; cùng đại diện Chi cục Thủy sản, Chi cục Khuyến nông 28 tỉnh thành ven biển; đại diện một số đơn vị địa phương và bà con ngư dân sinh sống xung quanh khu bảo tồn biển.
Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy thành lập mới các khu bảo tồn biển ở Việt Nam theo quy hoạch tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ” là diễn đàn trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm, những giải pháp thành lập mới và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các hệ sinh thái này cũng đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản; san lấp, lấn biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn…
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, hiện nay có 10 khu vực biển được khoanh vùng quản lý trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên với khoảng 208.661 ha, chiếm khoảng 0,208% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển không chỉ nhằm bảo toàn toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm mà còn có ý nghĩa pháp lý to lớn, góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, các khu bảo tồn biển còn là yếu tố quan trọng của vấn đề môi trường, di cư của các loài hải sản xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để cùng chung tay với cả nước trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái biển, tỉnh Cà Mau đã rất nỗ lực để thành lập Khu bảo tồn biển đầu tiên của tỉnh và hiện tại đang từng bước hoàn thiện hồ sơ thành lập Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Khi hai khu bảo tồn biển của tỉnh đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế, khoa học sống trong khu bảo tồn; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong muốn Cục Kiểm ngư, các nhà khoa học hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm góp phần mang lại sự thành công trong công tác quản lý Khu bảo tồn biển của tỉnh Cà Mau.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi và nghe thêm một số tham luận đối với các vấn đề về định hướng tổ chức thực hiện và quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2030; Kinh nghiệm thành lập Khu bảo tồn biển cấp tỉnh Cà Mau; Kết quả hình thành Khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản tại vùng biển Cà Mau…
Nhân dịp này, UBND tỉnh Cà Mau cũng công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.