Vay 20 tỷ mua bất động sản, nhà đầu tư đau đầu khi trả gần 300 triệu đồng/tháng: “Giờ tôi chỉ mong nhanh tìm được khách chốt”
Nhiều nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy tài chính lớn đến khi hết ưu đãi lãi suất phải chịu áp lực dẫn tới phải bán cắt lỗ. Nhưng vẫn khó tìm khách mua.
Anh Q.T (nhà đầu tư có 5 năm tham gia thị trường bất động sản, đến từ Hà Nội) cho biết, thời điểm cuối năm 2021, anh mua căn shophouse tại Hoàng Mai (Hà Nội) có diện tích 75m2 với mức giá 28 tỷ đồng, tương đương hơn 370 triệu đồng/m2. Trong đó, 20 tỷ đồng là anh T vay ngân hàng và được ưu đãi lãi suất trong năm đầu tiên.
“Sau khi mua bán hoàn tất, tôi cho thuê lại với giá 90 triệu đồng/m2. Cùng với số tiền thu được từ cho thuê, tôi bỏ thêm tiền từ lãi kinh doanh ở các lĩnh vực khác ra để trả ngân hàng. Vì năm đầu được ưu đãi lãi suất nên việc trả nợ cũng nhẹ nhàng”, anh T nói.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022, lãi suất cho vay liên tục tăng mạnh. Hơn nữa, gói ưu đãi của anh T đến nay cũng đã hết. Theo đó, áp lực tài chính đến với anh T từ đây. Đến nay, mỗi tháng anh phải trả gần 270 triệu đồng cả gốc và lãi.
“Đầu năm 2023 người thuê nhà cũng trả lại với lý do không làm ăn được. Nhận thấy tín hiệu thị trường bất động sản cũng đã xấu đi, tiền trả ngân hàng mỗi tháng tăng cao. Trong khi đó, tìm khách thuê khó và các công việc kinh doanh của tôi hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng. Nên từ tháng 1/2023 tôi đã rao bán căn nhà”, anh T nói.
Cũng tương tự anh T, anh Vũ Phong (Hà Nội) cũng bỏ tiền mua một căn nhà liền kề tại Hoài Đức (Hà Nội) có diện tích 75m2 với mức 9 tỷ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2 vào tháng 3/2022. Trong đó có 4 tỷ đồng anh Phong vay ngân hàng. Trong thời gian năm đầu tiên, anh Phong được ân hạn lãi suất nên chỉ ở mức 9%/năm.
Anh Phong cho biết, mục đích ban đầu anh mua để lướt sóng. Nhưng thị trường đột ngột “phanh gấp”, lãi suất tăng cao khiến anh không kịp trở tay. Đến nay khoản vay của anh đã thả nổi theo thị trường.
“Nghĩ đến khoản nợ hiện nay mỗi tháng phải thanh toán hơn 50 triệu đồng tôi cũng chưa biết giải quyết thế nào. Trong khi đó, giá bất động sản vẫn liên tục giảm xuống”, anh Phong nói.
Từ tháng 3/2023, anh Phong bắt đầu rao bán căn nhà này với mức giá 7,5 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được khách. “Thị trường đang sôi động như vậy đột nhiên rơi vào trầm lắng, điều này ngoài dự đoán của tôi. Bây giờ bán cắt lỗ cũng đang rất khó tìm người mua, để thêm tôi chưa biết giá sẽ còn giảm về đâu”, anh Phong than thở.
Không chỉ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn đến khi hết ưu đãi lãi suất họ đang chịu nhiều áp lực dẫn tới khả năng phải bán lỗ, bán phá giá rất cao. Bên cạnh đó, nhóm người mua được hưởng ân hạn nợ gốc từ 1 - 2 năm của chủ đầu tư cũng đứng trước nguy cơ bán tài sản trả nợ.
Ông Lưu Ngọc Long, Chủ tịch Tràng An Group dự báo, năm 2023 sẽ là năm khó khăn với các nhà đầu tư khi chính sách ân hạn nợ gốc từ các chủ đầu tư kết thúc. Với mức lãi suất thả nổi, nhà đầu tư sẽ phải chịu áp lực lớn. Ông Long dự đoán về làn sóng cắt lỗ từ nhóm những nhà đầu tư này. Điều này có thể tác động một phần đến thị trường chung.