Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức mua yếu, thị trường mua sắm ảm đạm bất chấp Black Friday

Dịp Black Friday năm nay, không khí tại các trung tâm thương mại, tuyến phố thời trang ở Hà Nội khá ảm đạm, dù các thương hiệu tiếp tục tung khuyến mại lớn để kích cầu

Sức mua yếu, thị trường mua sắm ảm đạm bất chấp Black Friday

Black Friday năm nay rơi vào ngày 29.11, nhưng nhiều cửa hàng đã rầm rộ tung khuyến mại từ trước khoảng một tuần để thu hút khách. Ảnh: Cường Ngô

Khách hàng kém mặn mà

Bị thu hút bởi những biển quảng cáo "đồng giá 49K, 99K, 199K toàn bộ cửa hàng" dịp Black Friday tại một cửa hàng thời trang lớn trên phố Cầu Giấy, Hà Nội, chị Nguyễn Long (nhân viên văn phòng) tưởng sẽ mua được nhiều đồ đẹp cho mùa đông này với giá rẻ. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng, chị Long thấy rằng các món đồ giảm giá như thông báo đa số là hàng hè, hàng cũ và khá ít mẫu. Trên kệ chủ yếu là hàng 299K, 399K và 499K; còn hàng đồng giá 49K, 99K là một số mẫu đã lỗi mốt và size rất lớn, không thể mặc được.

Theo chị Long, những năm qua, để kích cầu tiêu dùng, rất nhiều cửa hàng thời trang giảm giá lớn, khách hàng có nhiều dịp để mua sắm, cho nên, không nhiều khách hàng mặn mà với dịp Black Friday. "Mua sắm trong dịp Black Friday mọi người chen chúc rất đông, trong khi quần áo mẫu mã không đẹp. Đáng nói, có nhiều cửa hàng quảng cáo "lố" nói giảm 70-80% toàn bộ cửa hàng, nhưng khi đến, chỉ có những mẫu cũ giảm giá mạnh, những mẫu mới chỉ giảm 10-20%, không khác ngày thường là mấy" - chị Long cho hay.

Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 29.11, nhiều cửa hàng đã treo biển giảm giá từ hơn một tuần trước đó. Dù vậy, ghi nhận của Lao Động, không khí tại các trung tâm thương mại, tuyến phố thời trang ở Hà Nội khá ảm đạm, không còn cảnh khách hàng chen nhau chọn đồ, xếp hàng dài đến đêm chờ thanh toán như trước.

Tại các trung tâm thương mại như: Vincom, Aeon Mall ở Hà Nội, hay những tuyến đường quy tụ nhiều cửa hàng quần áo lớn như: Cầu Giấy, Chùa Bộc, Xuân Thủy… nhiều thương hiệu thời trang đồng loạt tung các chương trình giảm giá lên đến 50-70% để kích cầu... Dù vậy, đến ngày 28.11, lượng khách đến các trung tâm mua sắm này không đông, chỉ tương đương những dịp cuối tuần cao điểm. Thậm chí, một số cửa hàng tại phố Cầu Giấy, lúc trưa - cao điểm đi săn hàng giảm giá Black Friday mọi năm của dân công sở - gần như không có khách.

Chị Ngọc Anh, chủ một cửa hàng thời trang tại phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội cho hay: “Thời điểm này năm ngoái, cửa hàng của tôi đã tung ra các chương trình khuyến mãi, lượng khách đến mua rất đông. Tuy nhiên, năm nay, không khí mua sắm khá ảm đạm, mặc dù tôi sale các mặt hàng 10-50% từ đầu tuần. So với năm ngoái, lượng khách năm nay giảm đến 20-30%. Hy vọng từ giờ đến cuối tuần, lượng khách đến mua sẽ đông hơn".

Giải pháp nào để kích cầu mua sắm

Dưới góc độ chuyên gia bán lẻ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho hay, vài năm trở lại đây, Black Friday dần mất sức hút do ngày càng nhiều cửa hàng ra mắt chương trình khuyến mại trước đó và kéo dài qua Black Friday nên người mua cũng không còn tâm lý háo hức chờ đến đúng ngày để săn sale như trước.

Ngay trong những ngày đầu tháng 11 các siêu thị, cửa hàng đã tổ chức chương trình giảm giá quy mô lớn nhân ngày Độc thân 11.11. Như vậy, chỉ sau 2 tuần lễ lại tổ chức chương trình khuyến mại Black Friday, dự kiến ngày 12.12 các sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức chương trình khuyến mại lớn… Điều này khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy "quá tải" với hàng loạt chương trình khuyến mại, nên không còn hào hứng như trước mua sắm trong các dịp lễ hội như trước.

Để kích cầu mua sắm, theo ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), từ ngày 25.11 đến 1.12, Bộ Công Thương tổ chức Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024).

"Chúng ta có 60 giờ mua sắm rộn ràng (từ 0 giờ ngày thứ 6 ngày 29.11 đến 12 giờ chủ nhật ngày 1.12). Trong 60 giờ này, có nhiều hoạt động như lễ hội voucher, rất nhiều doanh nghiệp sẽ tung ra voucher trị giá để khách hàng sử dụng trong hoạt động mua sắm của mình. Hoạt động thứ hai, trong khuôn khổ 60 giờ mua sắm sẽ có sự đồng hành của các doanh nghiệp hàng Việt" - ông Lê Đức Anh cho hay.

Theo ông Lê Đức Anh, từ phía cơ quan Nhà nước cũng đang thiết kế và xây dựng những hệ sinh thái để hỗ trợ hàng Việt phát triển. Bộ Công Thương sẽ tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt trên môi trường trực tuyến, đây cũng là cách để xác minh nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo sản phẩm trên môi trường trực tuyến gắn với chất lượng.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/suc-mua-yeu-thi-truong-mua-sam-am-dam-bat-chap-black-friday-1427996.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...