Đồng rúp lao dốc, Ngân hàng Trung ương Nga dừng mua USD
Ngân hàng Trung ương Nga dừng mua USD để giảm biến động của đồng rúp
RT đưa tin, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo đình chỉ việc mua USD trên sàn giao dịch trong nước từ ngày 28.11 cho đến cuối năm để giảm biến động của thị trường.
Thông báo được đưa ra khi đồng rúp Nga rơi xuống mức thấp gần kỷ lục 114 rúp/USD vào ngày 27.11.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bổ sung vào Quỹ Tài sản Quốc gia, hiện lên tới 8,4 tỉ rúp (74 triệu USD) mỗi ngày.
Ngân hàng Trung ương tuyên bố, quyết định về thời điểm tiếp tục mua ngoại tệ sẽ dựa trên "tình hình trên thị trường tài chính". Các giao dịch mua USD bị hoãn sẽ được thực hiện trong năm 2025.
Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện một bước tương tự vào năm ngoái sau lệnh trừng phạt của phương Tây, đình chỉ việc mua USD từ ngày 10.8 đến cuối năm để ngăn chặn sự suy yếu mạnh của đồng rúp.
Đợt trượt giá đồng rúp mới nhất diễn ra sau lệnh trừng phạt của phương Tây và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tuần trước, Mỹ đã mở rộng các hạn chế đối với lĩnh vực tài chính của Nga, nhắm vào ngân hàng lớn thứ ba của nước này là Gazprombank - ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các khoản thanh toán cho xuất khẩu năng lượng.
Theo các nhà phân tích của Rosbank, các vòng hạn chế mới có thể làm phức tạp thêm các giao dịch thương mại nước ngoài và làm giảm động lực đưa thanh khoản ngoại hối vào Nga. Họ cho biết, xu hướng hiện tại của đồng rúp suy yếu có thể tiếp diễn liên tục vào năm 2025.
Các nhà phân tích dự đoán đồng rúp có thể giảm xuống còn 119,8 rúp/USD vào năm tới do căng thẳng địa chính trị và thiếu động lực để các cơ quan chức năng hạn chế biến động tỷ giá hối đoái.
Các chuyên gia cho biết đồng rúp yếu sẽ giúp chính phủ Nga chống đỡ ngân sách. Phần lớn doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đến từ USD và euro, hiện mang lại lợi nhuận lớn hơn bằng nội tệ.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov chỉ ra, đồng rúp yếu cũng có lợi cho các nhà xuất khẩu, bù đắp cho tác động tiêu cực từ lãi suất chuẩn cao của Ngân hàng Trung ương.
“Tôi không nói tỷ giá hối đoái là tốt hay xấu” - ông Siluanov tuyên bố, lưu ý rằng tỷ giá hối đoái yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu và giúp chính phủ tăng doanh thu ngân sách tính bằng đồng rúp.
Aleksandr Shepelev, chuyên gia thị trường chứng khoán tại BCS World of Investments, chia sẻ với trang tin tức Gazeta.Ru rằng “rất nhiều điều phụ thuộc vào việc Nga sẽ sớm hình thành các kênh thay thế cho dòng tiền vào và ra, có khả năng cân bằng cung cầu của mình như thế nào”.
Nhà phân tích lưu ý, điều này sẽ giúp giảm dần áp lực lên đồng tiền của Nga. “Trong khi thị trường mất cân bằng nghiêm trọng và các cơ quan tài chính không vội can thiệp vào tình hình, thì áp lực lên đồng rúp vẫn sẽ tiếp diễn”, ông cho biết.
Ngoài ra, đồng rúp Nga đang chịu áp lực từ nhu cầu nhập khẩu tăng theo mùa, chi tiêu ngân sách tăng đột biến thường thấy vào cuối năm, áp lực địa chính trị gia tăng và đồng USD tăng giá trên thị trường toàn cầu, Shepelev nói thêm.