Lý do ông lớn Toyota "thờ ơ" với cuộc đua xe điện: Không muốn bỏ hết trứng vào cùng 1 giỏ!
Trong khi hàng loạt đối thủ đổ dồn cho xe điện, cam kết loại bỏ xe xăng thì Toyota lại chỉ đang đứng bên lề cuộc đua.
Cách đây 20 năm, Toyota là một thương hiệu được nhiều nhà hoạt động môi trường tại Mỹ ưa thích với dòng xe Prius Hybrid, chuyên tiết kiệm xăng và xả ít khí thải nhà kính ra môi trường. Ngay cả khi giá xăng tăng và hàng loạt hãng xe đổ vào dòng Hybrid thì Prius của Toyota vẫn là mẫu xe đứng đầu tại Mỹ về hiệu suất tiêu thụ xăng và thân thiện với môi trường.
Thế nhưng khi ngành ô tô điện làm đảo lộn thế giới và hàng loạt hãng xe chuyển hướng đặt cược tất cả vào xe điện thì Toyota lại đứng cuối bảng vì sự chậm trễ trong quyết định thay đổi này.
Tuần trước, tổ chức Greenpeace đã xếp Toyota đứng cuối bảng trong số 10 hãng xe lớn đang nỗ lực giảm lượng khí thải ra môi trường. Ngay cả dòng Prius trước đây của Toyota dù có thân thiện với môi trường thế nào đi chăng nữa thì cũng là xe chạy xăng.
Theo Greenpeace, Toyota đang có tiến trình chuyển đổi sang xe điện chậm hơn rất nhiều so với các thương hiệu lớn khác. Doanh số bán những dòng xe không thải khí nhà kính ra môi trường như ô tô điện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh số của Toyota.
Trong vài năm trở lại đây, những hãng xe như GM hay Volkswagen đã đổ hàng tỷ USD đầu tư cho xe điện. Thậm chí nhiều hãng còn cam kết dừng sản xuất xe chạy xăng truyền thống để chuyển hẳn sang mẫu ô tô được cho là tương lai của thế giới này.
Vậy nhưng Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới lại chỉ mới tuyên bố chuyển hướng đầu tư cho xe điện thời gian gần đây. Ngay cả như vậy, Toyota vẫn đầu tư phát triển những dòng xe chạy xăng như Prius chứ không hề đặt cược tất cả vào ô tô điện.
Động thái của Toyota làm dấy lên nhiều câu hỏi về ý định thực sự của hãng xe lớn nhất thế giới này trong bối cảnh nhiều đối thủ đổ xô vào xe điện. Xin được nhắc là Toyota cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhưng vẫn đang khá chậm chân trong việc đầu tư xe điện.
Trên thực tế, Toyota không phải hãng xe duy nhất trên thế giới làm như vậy. Hàng loạt những thương hiệu như Ford, Stellantis hay các hãng ô tô Nhật Bản cũng vẫn đầu tư vào xe xăng chứ không đổ tất cả cho ô tô điện.
Phía Toyota cho biết dù họ vẫn đang gia tăng đầu tư cho xe điện nhưng chiến lược của công ty cần có sự điều chỉnh cho phù hợp chứ không thể chạy đua theo đối thủ. Hãng cho biết không phải thị trường nào trên thế giới cũng phổ cập được ô tô điện ở mức độ như Trung Quốc hay Mỹ. Điều này còn phụ thuộc vào giá thành xe điện, vốn cao hơn ô tô xăng, cũng như cơ sở hạ tầng, trạm sạc... của từng nước.
"Thị trường thế giới chưa đủ chín muồi và cũng chưa thực sự sẵn sàng ở mức mà chúng tôi cần phải đầu tư mạnh tay như vậy", Phó giám đốc kinh doanh Jack Hollis của Toyota khu vực Bắc Mỹ nhận định.
Không để trứng vào 1 giỏ
Vào tháng 12/2021, Toyota đã thông báo kế hoạch đầu tư 4 nghìn tỷ Yên, tương đương 28 tỷ USD cho dòng sản phẩm xe điện. Vậy nhưng công ty vẫn đổ tiền phát triển xe xăng truyền thống. Cách đây vài tuần, hãng đầu tư 5,6 tỷ USD cho cả dòng xe Hybrid lẫn xe điện ở Nhật Bản và Mỹ.
"Chúng tôi không muốn đối xử với khách hàng theo cùng một cách duy nhất", CEO Gill Pratt của Viện nghiên cứu Toyota nhấn mạnh.
Động thái này của Toyota là khá chậm so với những hãng như GM. Tập đoàn GM đặt mục tiêu sản xuất toàn bộ xe điện, từ bỏ ô tô xăng vào năm 2035, bao gồm việc loại bỏ cả những dòng xe tên tuổi như Cadillac. Nhiều hãng xe khác cũng có cam kết tương tự tại Bắc Mỹ.
Thế nhưng Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới lại chỉ đặt mục tiêu đạt 3,5 triệu ô tô điện bán ra mỗi năm vào năm 2030. Con số này chỉ cao hơn 1/3 so với doanh số hiện nay của hãng.
Theo giám đốc Paul Waatti của AutoPacific, Toyota rõ ràng chỉ đang đứng bên lề cuộc đua xe điện, nhưng điều này lại chưa chắc đã là tệ.
"Tôi nghĩ họ đang đa dạng hóa đầu tư. Nhìn tổng thể bức tranh toàn cầu thì nhiều thị trường chưa bắt kịp được với đà phát triển xe điện. Thị trường Mỹ chậm hơn Châu Âu và Trung Quốc về xe điện, nhưng có những thị trường khác nữa còn chẳng đủ cơ sở hạ tầng cho sản phẩm này. Bởi vậy việc đầu tư đa dạng là một chiến thuật hợp lý cho tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới hiện nay", ông Waatti cho biết.
Tính đến năm 2021, Toyota bán được 10,5 triệu ô tô tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu thế giới. Đứng thứ 2 là Volkswagen với 8,9 triệu xe tại 153 thị trường, GM đứng thứ 3 với 6,3 triệu xe.
Theo CNBC, Toyota tin rằng xe điện chỉ là một trong số nhiều lựa chọn chứ không phải duy nhất để có thể hoàn thành kế hoạch phát thải bằng 0 trong tương lai.
Chuyên gia Jim Adler của Toyota Venture cho rằng trong tương lai, không thể có chuyện xe điện chiếm 100% thị trường mà thay vào đó sẽ là viễn cảnh hỗn hợp giữa ô tô điện và những dòng sản phẩm khác.
Hãng Toyota cho rằng tùy vào sự phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống năng lượng, nguyên liệu ắc quy và độ thích nghi của từng thị trường mà lượng phủ sóng xe điện sẽ khác nhau.
Bên cạnh dòng xe điện thường thấy hiện nay, Toyota cũng đang đổ tiền vào công nghệ ô tô điện chạy bằng ắc quy Hydro. Loại ắc quy này sẽ được cung cấp năng lượng từ Hydro và Oxy, thải ra chỉ hơi nước. Tuy nhiên công nghệ này vẫn còn quá đắt đỏ, thiếu cơ sở hạ tầng và sự hiểu biết từ người tiêu dùng để có thể triển khai.
Chi phí
Một nguyên nhân nữa khiến Toyota không đổ hết vào xe điện là nhằm đa dạng hóa sản phẩm cũng như bảng giá.
Ví dụ dòng Toyota Prius Hybrid năm 2022 có mức giá khởi điểm 25.000 USD, thấp hơn 17.000 USD so với dòng xe điện hoàn toàn bZ4X của hãng. Nhờ đó, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, nhắm đến túi tiền của cả tầng lớp trung lưu lẫn thượng lưu.
Xin được nhắc là ắc quy cho xe điện khá đắt đỏ, nhất là trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Thế rồi những nguyên liệu cho ắc quy như Lithium, Cobalt hay Nickel cũng đều tăng giá mạnh do cầu vượt cung.
Báo cáo của hãng tư vấn AlixPartners cho thấy nguyên liệu làm ắc quy đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Với lý do đó, không có gì khó hiểu khi Toyota khá dè dặt trước sản phẩm mới.
"Trong vòng 10 năm tới, thị trường Lithium sẽ lâm vào cảnh thắt cổ chai khi cung không đủ cầu. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng mỏ khai thác cần để cung ứng cho ngành xe điện. Thế rồi Nickel cũng tương tự khi tốc độ cung ứng không theo kịp đà tăng của ngành ô tô điện", chuyên gia Pratt của Toyota Research nhận định.
Hãng The Metals Co ước tính thế giới sẽ lâm vào cảnh thiếu Nickel, Cobalt cho ắc quy ngành xe điện năm 2030. Dù toàn bộ chuỗi cung ứng của Mỹ và đối tác hoạt động hết công suất thì họ vẫn chỉ đủ cung ứng cho chưa đến 60% thị trường xe điện năm 2030.
*Nguồn: CNBC