Giá vàng trong nước nhích nhẹ: Tín hiệu khả quan!
Ghi nhận vào lúc 9h10 ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng. Trên thế giới, giá vàng biến động trái chiều sau khi tăng khoảng 1% vào phiên trước, nhờ đồng USD yếu trong khi tâm điểm thị trường đang hướng về dữ liệu lạm phát để có thêm tín hiệu về tốc độ nâng lãi suất của Mỹ.
Cụ thể, doanh nghiệp Phú Quý điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán so với cuối phiên ngày hôm qua. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ giữ nguyên giá vàng SJC không đổi cho cả hai chiều giao dịch.
Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66,20 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 67,02 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác trong sáng nay đồng loạt giảm. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 40.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.
Nguồn ảnh: Internet |
Trong phiên giao dịch sáng ngày 13/9, giá vàng giao ngay tăng 0,06% lên 1.725,4 USD/ounce vào lúc 6h14 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 12 giảm 0,24% xuống 1.736,35 USD.
Theo ông David Meger của High Ridge Futures, các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra tín hiệu về những đợt tăng lãi suất khác để kiềm chế lạm phát, điều này đã hỗ trợ đồng euro, gây áp lực lên đồng USD và trở thành một phần sức mạnh của thị trường vàng.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở thị trường nước ngoài. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index giảm 0,63% xuống 108,045.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết thị trường có thể nhận thấy các nhà giao dịch đặt cược cho một báo cáo lạm phát tích cực hôm 13/9, và vì vậy nó có thể mang lại một đợt tăng lớn hơn thị trường vàng nếu kết quả cho thấy lạm phát hạ nhiệt hơn nữa.
Vàng thường được coi là một hàng rào chống lại lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất dẫn đến chi phí cơ hội cao hơn cho việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Giá bạc giao ngay tăng hơn 5% lên mức cao nhất kể từ ngày 17/8 ở 19,80 USD/ounce. Ông Meger của High Ridge gọi đây là một đợt tăng ngắn ngủi đầy kịch tính.
Kim loại này có thể cũng đã nhận tín hiều từ một đợt phục hồi nhờ rủi ro tổng thể, ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại City Index, cho hay.
Trên các thị trường kim loại khác, giá palladium tăng 3,7% lên 2.253,55 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/8. Còn giá bạch kim tăng 2,5% lên 903,16 USD, theo Reuters.
Vàng tăng giá khi đồng USD yếu
Giá vàng thế giới tăng vào thứ Hai đầu tuần khi đồng USD trượt giá, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để biết thêm manh mối về quỹ đạo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lợi tức Kho bạc Mỹ giảm vào đầu tuần giao dịch cũng là một điều tích cực đối với thị trường kim loại quý. Các khoản bảo hiểm ngắn hạn hơn trên thị trường kỳ hạn được đưa ra. Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.725,70 USD/ounce vào lúc 10h41 GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.736,90 USD/ounce.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: "Đồng USD đã giảm mạnh và lợi suất trái phiếu ổn định, điều này đang hỗ trợ sự phục hồi đối với vàng. Chúng ta có thể thấy các nhà giao dịch đặt cược vào một báo cáo lạm phát tích cực của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 13/9, điều này có thể khiến kim loại quý tăng mạnh hơn".
Chỉ số USD chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/8, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, được công bố vào ngày 13/9, dự kiến sẽ cho thấy giá tháng 8 tăng với tốc độ 8,1% trong năm, giảm so với mức 8,5% của tháng 7.
Trong khi theo truyền thống, vàng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, thì việc tăng lãi suất dẫn đến chi phí cơ hội cao hơn cho việc nắm giữ vàng thỏi vốn không có lãi suất.
Trong bối cảnh hiện nay, Han Tan, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity nhận định: "Đà tăng của vàng vào đầu tuần này sẽ chỉ là tạm thời nếu chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 8/2022 khẳng định mức lạm phát leo thang, buộc Fed phải giữ bàn đạp cho kim loại này bằng việc thắt chặt chính sách. Dữ liệu nhấn mạnh Fed cần phải cực kỳ tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát, một chủ đề luôn là cái gai liên tục đối với phe bò trong phần lớn năm nay, sẽ chỉ làm kim loại loại quý giảm thêm".
Các thị trường đã tăng kỳ vọng đối với việc Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này. Có một số dấu hiệu trong nền kinh tế cho thấy lạm phát ở Mỹ đang giảm nhiệt.
Ravindra Rao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Kotak Securities Ltd., cho biết: "Vàng đã tăng trở lại một lần nữa sau khi nhận mức hỗ trợ gần 1.700 USD/ounce, nhưng có thể phải vật lộn với việc Fed tiếp tục nhấn mạnh vào việc thắt chặt mạnh mẽ".
Các nhà phân tích nhận định, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản vào tuần trước và chuẩn bị làm điều tương tự khi nhóm họp vào tháng 10. Động thái này đang hỗ trợ đồng Euro so với đồng đô la, cung cấp một số cứu trợ cho vàng.
Trước đó, Clifford Bennett, nhà kinh tế tại công ty chứng khoán ACY Securities có trụ sở tại Australia, nhận định, giá vàng vẫn chịu sức ép đi xuống, song số liệu về lạm phát có thể giúp hỗ trợ giá kim loại quý này.
Theo chuyên gia Bennett, nếu lạm phát lập đỉnh, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy. Dù Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, song giá vàng vẫn có thể phục hồi sau đà giảm mạnh gần đây. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Thu Uyên