Giá xăng dầu hôm nay 4/1: Biến động trái chiều
Giá xăng dầu hôm nay 4/1, trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi tăng cao vào phiên trước nhờ hy vọng vào việc nhu cầu nhiên liệu tiếp tục phục hồi trong năm 2022.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,08% xuống 75,97 USD/thùng vào lúc 6h42 (giờ Việt Nam) ngày 4/1. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 3 tăng 0,04% lên 78,97 USD/thùng.
Giá xăng dầu hôm nay 4/1: Biến động trái chiều (Ảnh minh họa). |
Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/1) nhờ hy vọng vào việc nhu cầu nhiên liệu tiếp tục phục hồi trong năm 2022, bất chấp OPEC+ dự kiến thông qua một đợt tăng sản lượng nữa và lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu.
OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, dự kiến nhóm họp vào thứ Ba( 4/1) để thông qua thoả thuận tăng sản lượng. Trong khi đó biến thể Omicron của virus corona đã đẩy số ca mắc bệnh lên cao kỷ lục và ảnh hưởng tiêu cực tới lễ hội năm mới trên toàn thế giới, với hơn 4.000 chuyến bay bị hủy vào cuối tuần.
Ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena (Illinois, Mỹ), cho biết cuộc họp hàng tháng của OPEC+ có nhiều khả năng sẽ thống nhất tăng sản lượng vì một số thành viên OPEC đang không thể việc đạt hạn ngạch được giao.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,5% lên 78,98 USD/thùng. Đầu phiên có thời điểm giá lên tới 79,05 USD. Trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 87 US cent lên 76,08 USD.
Ông Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho biết số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu, các lệnh hạn chế đang được áp dụng ở một số quốc gia, lĩnh vực du lịch hàng không đang bị ảnh hưởng, tuy nhiên sự lạc quan của các nhà đầu tư là rất rõ ràng".
Nhiều trường học Mỹ, thường chào đón học sinh trở lại lớp học vào thứ Hai, đang hoãn ngày khai giảng, nhanh chóng xét nghiệm học sinh và giáo viên, và chuẩn bị, như một phương sách cuối cùng, quay lại học tập từ xa với số ca mắc biến thể Omicron đạt kỷ lục trên cả nước.
Giá dầu cũng nhận được một số hỗ trợ từ sự cố ngừng hoạt động ở Libya. Sản lượng dầu sẽ bị giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do bảo trì đường ống dẫn dầu
Năm ngoái, giá dầu Brent đã tăng 50%, nhờ sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và việc giảm nguồn cung của OPEC+, ngay cả khi số ca mắc COVID-19 lên cao kỷ lục trên toàn thế giới.
Một số chuyên gia nhận thấy đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục trong năm 2022.
Báo cáo từ các nhà phân tích của UBS, gồm cả ông Giovanni Staunovo, cho biết giá dầu thô và sản phẩm dầu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu dầu tăng vượt mức năm 2019. "Chúng tôi dự đoán Brent sẽ tăng lên mức 80–90 USD trong năm 2022", báo cáo chỉ ra.
Giá xăng dầu trong nước
Hôm 25/12/2021, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Giá không cao hơn |
Xăng E5RON92 | + 468 đồng/lít | 22.550 đồng/lít |
Xăng RON95-III | +494 đồng/lít | 23.295 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | + 245 đồng/lít | 17.579 đồng/lít |
Dầu hỏa | + 196 đồng/lít | 16.518đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | 0 đồng/kg | 15.745 đồng/kg |
Tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu mà thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng / lít, xăng RON95 ở mức 550 đồng / lít, dầu diesel ở mức 200 đồng / lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng / lít, dầu mazut ở mức 552 đồng / kg.
Đây là đợt tăng giá xăng dầu trong nước cuối cùng trong năm, sau 2 lần giảm giá liên tiếp. Tính hết năm, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
Bắt đầu từ 2-1, theo Nghị định 95/2021 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu), giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sẽ được điều chỉnh ba lần/tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng), có nghĩa là 10 ngày/lần thay vì 15 ngày/lần trước đó.
Hồng Quân